Cảnh báo ngộ độc nấm

Theo đó, ngày 9/11/2023, tại thôn San II, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa có một nhóm gồm bảy người lên nương thảo quả hái nấm rừng ăn bữa tối.

Nấm ma gây ngộ độc

Sau khi ăn khoảng 30 phút đã xảy ra ộ độc, 7 người được đưa đi bệnh viện cấp cứu, may mắn không có trường hợp tử vong.

Sau khi mang mẫu nấm còn lại gửi kiểm nghiệm cho thấy, loại nấm nhóm người nói trên đã ăn có tên gọi Omphalotusnidiformis (nấm ma hay nấm độc ma) với độc chất là Illudin S. Loài nấm này thường gặp ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tại các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La….

Nấm thường mọc trên cây gỗ mục trong rừng thành từng đám lớn, là dạng thể quả; mũ nấm hình quạt hoặc hình phễu, màu trắng hoặc màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài cây gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu sậm hơn;

Khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ 2-10 cm (tùy theo nấm non hay trưởng thành và tùy theo chất dinh dưỡng trong gỗ mục);

Phiến nấm màu trắng đến hơi vàng, hơi xám; cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2 - 4 cm; thịt nấm màu trắng; loài nấm này phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau cơn mưa.

Độc tố của nấm ma là illudin. Đây là một chất phát quang hay còn gọi là chất lân tinh (phát sáng trong bóng tối). Đây là loài nấm gây rối loạn tiêu hóa và không gây chết người.

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau ăn nấm khoảng 30 phút đến 3 giờ (tùy theo số lượng nấm đã ăn và lượng thức ăn kèm theo) với biểu hiện: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng (gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa). Điểm đặc biệt của loài nấm này là thường không gây ỉa chảy.

Khi ăn nhầm phải loại nấm trên, cần gây nôn cho bệnh nhân rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Thông thường bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 3 - 5 ngày. Tốt nhất, người dân không nên hái những loài nấm lạ hoặc chưa biết chính xác có ăn được hay không.

Trước đó, cũng xảy ra vụ việc ngộ độc nấm nghiêm trọng. Trong 2 ngày 18-19/2, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La tiếp nhận 6 trường hợp là công dân xóm Hịch, xã Mai Hịch có biểu hiện ngộ độc, đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn trưa tại nhà.

Trước đó, 2 người dân sau khi đi rừng có hái một túi nấm rừng (khoảng 200g) mang về nấu canh nấm với lá lốt cho bữa trưa ở gia đình và hàng xóm.

Bữa ăn có thêm các món: măng đắng xào, thịt gà, lươn xào tai chua, lòng lợn chín mua ở chợ, canh rau mùng tơi, trong bữa ăn có uống rượu. Sau bữa ăn, nhiều người nhập viện do ngộ độc thực phẩm.

Một gia đình 5 người tại Yên Thành, Nghệ An đã cùng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vì ăn phải nấm độc.

Theo chia sẻ của bệnh nhân Hoàng Thị T., trên đường đi làm về có phát hiện một bụi nấm mọc ven đường, giống với nấm bán ngoài chợ nên đã hái về nhà nấu ăn.

Sau khi ăn, 5 người gia đình chị T. đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội, nên được hàng xóm đưa đi cấp cứu.

Mặc dù, ngành Y tế liên tục phát đi thông điệp cảnh báo tình trạng ngộ độc các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, hoa quả rừng, hay cây rừng… nhưng năm nào cũng ghi nhận các ca nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, người dân vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm liên quan đến nấm độc.

Chẳng hạn, có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón).

Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.

Một số người còn thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa.

Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 - 7 sau ăn nấm.

Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu.

Trong trường hợp không may ngộ độc, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam).

Chuyên gia cũng lưu ý, cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo mới nhất của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hàng năm vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...). Trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.

Theo đó, Cục đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).

Theo các chuyên gia chống độc, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm các loại nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nguy cơ cao tử vong. Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là “không hái các nấm mọc hoang dại để ăn".

Phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, người dân cũng tự trang bị kiến thức phòng để phòng chống ngộ độc nấm như nhận dạng nấm độc. Cụ thể nấm độc thường có những đặc điểm sau: Có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm.

D.Ngân