Cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Hoàng mai Huế

Công nhận chỉ dẫn địa lý của Hoàng mai Huế mở ra cơ hội đưa cây mai vàng xứ Huế vươn xa

Mới đây, ngày 18/1, Cục Sở hữu Trí tuệ ban hành Quyết định số 10/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00134 cho sản phẩm Hoàng mai ế và Sở KH&CN tỉnh là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN Trần Lê Hồng cho biết, Hoàng mai Huế là sản phẩm có từ rất lâu trên thị trường, được nhiều người yêu mến, tuy nhiên để khẳng định giá trị của sản phẩm dưới góc độ tính chất, chất lượng đặc thù và danh tiếng với người tiêu dùng cần có sự thừa nhận chính thức.

Chỉ dẫn địa lý là sự thừa nhận chính thức đó. Nó mang tính chất biểu tượng cao nhất để chúng ta có thể hiểu về giá trị của Hoàng mai Huế. Tất cả các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bao giờ cũng có sự đánh giá về mặt khoa học, danh tiếng trên thị trường và sự thừa nhận của các cơ quan Nhà nước. Đây là sự thừa nhận không chỉ ở Việt Nam mà chỉ dẫn địa lý còn là truyền thống ở các nước phát triển có nền kinh tế thị trường. Việt Nam cũng đang trong xu hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt với địa phương có các sản phẩm tiềm năng và Hoàng mai Huế là một trong các sản phẩm như vậy.

Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ trao văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và logo nhận diện cho Hoàng mai Huế

"Chúng tôi cho rằng, với việc công nhận chỉ dẫn địa lý của Hoàng mai Huế, thời gian tới, chúng ta sẽ có cơ hội không chỉ phát triển thị trường cho sản phẩm hoàng mai mà còn có động lực rất lớn trong việc quản lý đối với chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm Hoàng mai Huế, đưa Hoàng mai Huế vươn xa hơn ở thị trường trong nước, kể cả nước ngoài. Hy vọng với sự đầu tư của Huế, các nghệ nhân và các cơ quan chức năng sẽ giúp Hoàng mai Huế trong thời gian tới sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có giá trị lớn hơn", ông Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh là sự kiện vui mừng của Thừa Thiên Huế nói chung và những nhà sản xuất, kinh doanh Hoàng mai nói riêng.

Hoàng mai Huế là sản phẩm đặc biệt, không giống những sản phẩm khác, tại Việt Nam chưa có tiền lệ về việc này nên việc chứng minh được danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế là thách thức không nhỏ.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Hoàng mai Huế đã được Nhà nước bảo hộ với các ghi nhận về đặc điểm như cây có lộc xanh, cành lộc (dăm chỉ) dày; hoa có cuống ngắn; 5 cánh hoa màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít hoặc chồng lên nhau và có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng

Đến nay, cả nước có 135 chỉ dẫn đã được bảo hộ, trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Riêng Thừa Thiên huế có 4 chỉ dẫn địa lý là Nón lá Huế, Tinh dầu tràm Huế, Hoàng mai Huế và Thanh trà Huế. Với 4 chỉ dẫn địa lý đã được Nhà nước bảo hộ, Thừa Thiên Huế là một trong 10 địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất cả nước.

LIÊN MINH