Chợ trâu cuối năm: Nghề dắt trâu thuê

Ðứa trẻ “đòi” trâu ở chợ Ú

Mưu sinh tuổi lên 10

“Cực lắm cô ạ! Nhà nghèo nên cháu đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ”, em Nguyễn Văn Long (13 tuổi, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) nói. Dáng người nhỏ thó, mặt đen nhẻm, Long bẽn lẽn trò chuyện cùng người lạ. Mới 13 tuổi nhưng Long có thâm niên ba năm đi “đòi” trâu tại chợ Ú. Nhà nghèo, đông anh em nên khi lên 10 tuổi, Long xin đi cùng một số người trong làng lên chợ Ú dắt trâu thuê cho các thương lái. Long kể, nhà xa nên mỗi phiên chợ em thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, cùng đám bạn đến chợ lúc 5 giờ, chẳng kịp ăn lót dạ. Hành trang mang theo của Long là một chai nước lọc để uống dọc đường và một gói lương khô.

“Nhiều lúc đi qua quán bánh xèo thơm lừng, cháu thèm quá chỉ biết chép miệng, đứng ngoài nhìn vào. Sau đó tranh thủ thời gian đi “đòi” trâu cho người ta. Số tiền kiếm được cháu đưa về cho mẹ mua cá, thịt. Nhà cháu nghèo nên tranh thủ những lúc nghỉ học, đến chợ làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”, Long kể.

Long cho biết việc dắt trâu bò rất vất vả, bù lại cũng kiếm được một khoản tiền kha khá. Nhưng nếu không biết cách dễ bị trâu bò húc vào người. Những năm gần đây, nhiều xe tự chế và cả xe tải nhỏ tham gia chuyên chở trâu bò khiến đội ngũ dắt thuê không dễ kiếm được việc. Xe tải vận chuyển trâu bò nhanh, thuận tiện. Vì vậy, người dắt trâu bò thuê chỉ có việc khi thương lái cần đưa trâu bò đến những địa điểm gần hoặc chăn dắt trong lúc chờ xe đến đưa đi.

“Chỉ những hộ buôn nhỏ lẻ hoặc nhà gần chợ, không tiện thuê ôtô nên mới nhờ những em nhỏ như chúng cháu. Trước đây, có người thuê dắt trâu bò về tận các huyện khác cách hàng chục km, đi 3, 4 ngày là bình thường, tiền công hai ba trăm nghìn đồng”, Long nói.

Phần lớn những em nhỏ dắt trâu thuê đến từ xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), một vài em ở xã Trù Sơn, Đại Sơn (huyện Đô Lương). Trong số những đứa trẻ làm nghề dắt trâu bò ở chợ Ú, có em tranh thủ đi một chuyến xong về tắm rửa để kịp đi học vào buổi sáng; cũng có em dành ngày cuối tuần nghỉ học đi “đòi” trâu kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tiền công dắt thuê mỗi con trâu bò, lớn hay nhỏ đều như nhau. Gần thì năm nghìn, mười nghìn đồng, còn sang xã khác thì vài chục nghìn đồng. May mắn, mỗi phiên chợ Long có thể kiếm được khoảng 80.000 - 100.000 nghìn đồng từ công việc này.

Toàn cảnh chợ Ú phiên chợ cuối năm

Tay phồng rộp vì dắt trâu

Xòe bàn tay phồng rộp, tấy đỏ cho tôi xem, Trần Văn Minh (14 tuổi, ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) cười bẽn lẽn: “Chuyện thường ngày ấy mà!”. 14 tuổi, Minh có hai năm kinh nghiệm làm nghề dắt trâu bò thuê tại chợ. Nhà có 3 anh em, là con đầu nên từ nhỏ Minh đã phải thay bố mẹ lo cho các em và quán xuyến việc gia đình. Nhà nghèo, Minh không có điều kiện tới trường đều đặn như bao bạn bè cùng trang lứa

Đi học buổi được buổi mất, từ một học sinh khá hồi cấp 1, lên cấp 2 Minh đã phải ở lại lớp một năm và chỉ đạt học lực trung bình - khá. Khi được hỏi đi “đòi trâu” có khó lắm không, Minh nhanh nhảu đáp: “Cũng khó ạ! Ban đầu chưa quen nên toàn để trâu chạy mất, phải đuổi theo bắt về. Mệt lử. Giờ cháu quen rồi, một lúc dắt ba bốn con luôn. Tranh thủ những hôm nghỉ học, cháu ra chợ xin dắt trâu bò thuê kiếm tiền”.

“Trước đây, có nhiều em bỏ học ra chợ Ú dắt thuê trâu bò. Ban quản lý chợ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đến từng nhà để các em tiếp tục đi học. Hiện nay, ở chợ Ú chỉ còn một vài em nhỏ làm nghề này”, ông Nguyễn Văn Cảnh,Trưởng ban quản lý chợ Ú

Đứng từ sáng đến non trưa, Minh được chủ buôn thuê dắt ba con trâu mới lớn về xã bên cho khách với giá 50.000 đồng. Là trâu non nên chúng rất bướng và nhát, khó khăn lắm Minh mới kéo được hai con trâu ra đường cái. Đôi chân trần gầy nhom, nhuốm bùn đất lầm lũi tiến về phía trước, hai tay Minh nắm chặt sợi dây dắt trâu kéo đi. “Nhìn thì đơn giản nhưng để khống chế được những con trâu này không dễ. Có nhiều hôm dắt trâu đi hàng chục cây số, hai bàn tay cháu phồng rộp, sưng lên, đau rát mấy ngày”, Minh tâm sự.

Là một cậu bé chịu thương chịu khó nên dù có những hôm ốm đau, Minh vẫn cố đi chợ dắt trâu thuê kiếm tiền. “Cháu sợ phải nghỉ học, sợ không được đến trường như bạn bè nên dù ốm đau, tay có lúc phồng rộp, đau rát, cháu cũng cố gắng tranh thủ đi chợ dắt trâu, bò thuê kiếm tiền”. Một ngày làm việc hết công suất, Minh kiếm được 100.000 - 150.000 nghìn đồng. Số tiền không lớn nhưng với Minh là cả một gia tài, là mồ hôi, công sức sau một ngày vất vả mưu sinh. “Số tiền này, một phần em đưa cho mẹ, một phần em bỏ lợn góp lại để đóng tiền học cho năm học mới”, Minh kể.

Hùng, con một chủ buôn trâu tại xã Đại Sơn, mê đòi trâu hơn mê con chữ. Bố mẹ mải mê buôn trâu, ít thời gian chăm lo nên học hết cấp 1 rồi bỏ. Mỗi phiên chợ, bố Hùng thường mua những con trâu, bò gầy, ốm về vỗ béo sau đó bán lại cho thương lái. Hằng ngày, Hùng theo bố mẹ ra chợ phụ giúp. Trong lúc rảnh rỗi, em tranh thủ nhận dắt trâu bò thuê cho các thương lái.

“Thấy vậy chứ nghề này cực hơn làm ruộng, do phải di chuyển liên tục, gặp những con lì phải mất nhiều thời gian xỏ mũi, cột chân, dắt mãi cũng không chịu đi, thậm chí tấn công lại mình. Tuy nhiên, nghề này có thu nhập ổn định do được thuê làm quanh năm” - Hùng kể.

Thu Hiền