Cổ phiếu đồng loạt giảm, dầu khí, đầu tư công ngược sóng

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sáng nay giảm mạnh ở trụ to nhất.

Sau phiên giao dịch thất vọng cuối tuần trước, tâm lý thị trường đã yếu đi đáng kể, khi mở phiên sáng nay độ rộng đã rất hẹp. Đà giảm lan tràn khắp thị trường với hầu hết các nhóm giảm giá, hàng đầu cơ cũng lao dốc mạnh. Riêng cổ phiếu dầu khí nỗ lực ngược dòng nhưng sức ép ở nhóm giảm vẫn áp đảo. VN-Index để mất hơn 7 điểm, tương đương -0,63%.

Tín hiệu quan trọng nhất trong phiên điều chỉnh sáng nay là độ rộng. Ngay từ 9h30 trở đi, VN-Index đã có số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng. Suốt cả phiên chỉ số lao dốc càng lúc càng mạnh, kết phiên độ rộng chỉ con 99 mã tăng/278 mã giảm, tức là số giảm gấp gần 3 lần số tăng.

Dù chỉ số đại diện có thể bị tác động từ nhóm cổ phiếu trụ, nhưng nếu độ rộng thu hẹp tức là một tâm lý chung đã hình thành. Mặt khác, cũng phải lưu ý rằng độ rộng co hẹp chủ yếu do thay đổi giá ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Rổ blue-chips VN30 chốt phiên sang có giảm 0,55% ở chỉ số, nhưng độ rộng cũng mới có 15 mã giảm/10 mã tăng.

Các chỉ số đang bị tác động rất mạnh từ mã trụ, tiêu biểu là VCB giảm tới 3,05%, VIC giảm 1,68%, VHM giảm 1,61%. Chỉ riêng 3 cổ phiếu này đã lấy đi tới gần 6 điểm ở VN-Index. Phía tăng duy nhất GAS +0,94%, SAB tăng 1,03% là ở nhóm trụ khá mạnh.

Nhóm dầu khí nhìn chung giao dịch nổi bật hơn các nhóm còn lại giữa “biển” cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên ngoài GAS thì cũng không có cổ phiếu nào đủ lớn để tham gia nâng đỡ. PLX tăng 0,81% có đóng góp nhỏ nhờ vốn hóa, còn lại như PVD tăng 1,26% không có tác động. Dù vậy với nhà đầu tư thì giá cổ phiếu quan trọng hơn chỉ số. Nhóm dầu khí còn có PVB tăng 6,88%, PVC tăng 1,69%, PVS tăng 1,85%, PVG tăng 2,04%... Nhóm cổ phiếu điện cũng đi ngược dòng, nhưng mức tăng yếu.

Phần còn lại tăng giá chủ đạo là các cổ phiếu riêng lẻ với cung cầu cá biệt. Một số mã khá mạnh, thậm chí thanh khoản lớn như VCG tăng 3,54% với 217,5 tỷ đồng thanh khoản; LCG tăng 3,46% với 108,7 tỷ đồng; VCI tăng 2,99% với 159,5 tỷ; VSC tăng 2,31% với 35,7 tỷ; HHV tăng 1,46% với 101,7 tỷ. Hiện có 32 cổ phiếu đạt mức tăng giá hơn 1% trên HoSE nhưng thanh khoản nhóm này chỉ chiếm gần 16% tổng giá trị khớp của sàn, một tỷ lệ rất nhỏ.

VN-Index trượt dốc từ rất sớm.

Phía ngược lại HoSE đang có 278 mã giảm giá, trong đó 131 mã giảm trên 1%. Nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như NVL, HQC, VCB, PDR, GEX, VIC, TCB, NKG… đều giao dịch từ 50 tỷ đồng trở lên. Dù vậy tính chung thì thanh khoản nhóm giảm quá 1% cũng mới chiếm 27,3% giao dịch sàn HoSE. Đây là tín hiệu cho thấy dù đà giảm xuất hiện trên diện rộng nhưng áp lực bán cũng chưa phải là quá lớn. Trạng thái giá có tác động nhiều từ việc rút lui ở bên mua.

Thanh khoản khớp lệnh chung trên hai sàn niêm yết sáng nay cũng giảm 28% so với sáng phiên trước, đạt 6.984 tỷ đồng. Cũng phải lưu ý rằng phiên thứ Sáu tuần trước là có giao dịch tái cơ cấu ETF nên thanh khoản thường lớn. Nếu bỏ qua đột biến đó thì mức giao dịch sáng nay cũng không khác nhiều lắm các phiên đầu tuần trước.

Khả năng duy trì dòng tiền lúc này là quan trọng nhất, vì thị trường điều chỉnh là khả năng không khó đoán, đặc biệt với nhóm đầu cơ đã tăng nóng. Nếu thanh khoản cao thì một mặt là có áp lực xả hàng lớn nhưng cũng là có lượng tiền vào mua lớn. Nếu chỉ có một chiều bán thì giá đã mở rộng biên độ. Ngoài ra, khi thị trường điều chỉnh và nhà đầu tư cầm cổ muốn thoát ra quyết liệt thì dòng tiền mua có cơ hội để lựa chọn dễ dàng hơn. Vì thế nhịp điều chỉnh cũng là để quan sát sự dịch chuyển của dòng tiền.

Kim Phong