COVID-19 tại ASEAN hết 6/4: Philippines dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng; Campuchia tính tiêm chủng bắt buộc

Nhân viên y tế tiêm phòng COVID-19 cho người dân Campuchia. Ảnh: Khmer Times

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.581 ca mắc COVID-19 và 551 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.947.709 trường hợp và 60.486 ca tử vong. Toàn khối có 2.594.947 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 382 ca. Indonesia ghi nhận 162 ca tử vong, Malaysia thêm 5 ca, Campuchia và Timor Leste mỗi nước thêm 1 ca tử vong.

Với 4.549 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.542516 ca bệnh và 41.977 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm mới cao gấp hơn hai lần Indonesia và ca tử vong tăng mạnh. Trong ngày 6/4, nước này ghi nhận 9.373 ca mắc mới, nâng tổng ca bệnh lên 812.760 trường hợp, bao gồm 13.817 ca tử vong.

Campuchia tiếp tục khống chế lây nhiễm cộng đồng với 72 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong ngày 6/4.

Số ca nhiễm mới tại Thái Lan cũng tăng mạnh, với 250 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh lên 29.571.

Timor Leste ghi nhận 13 ca mới và hiện có tổng ca bệnh lên tới 779 trường hợp.

Phun thuốc khử trung tại một trung tâm cách ly thuộc tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mắc COVID

Trang Philstar ngày 6/4 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong một tuyên bố, ông Lorenzana khẳng định: "Tôi sẽ được cách ly, tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch để tránh lây nhiễm cho người khác. Những người đã tiếp xúc với tôi đã được thông báo. Họ được khuyến cáo cách ly và xét nghiệm COVID".

Ông Lorenzana lưu ý, Bộ Quốc phòng Philippines sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống dịch bệnh. "Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng mối đe dọa của virus vẫn có thật hơn bao giờ hết, hơn thế nữa là các biến thể mới. Tất cả chúng ta hãy hợp tác và tuân thủ các quy trình y tế để giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19", Bộ trưởng Lorenzana kêu gọi.

Cùng ngày 6/4, Philippines ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng mạnh lên 382 người. Như vậy, nước này đã có tổng số 812.760 ca bệnh, trong đó 646.381 người đã bình phục và 13.817 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia có thể bắt buộc tiêm chủng COVID-19

Báo Khmer Times ngày 6/4 dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, chương trình tiêm chủng COVID tự nguyện hiện nay ở nước này có thể sẽ kết thúc. Sau đó, hoạt động tiêm vaccine phòng COVID có thể là bắt buộc.

Ông Hun Sen cho rằng, những người không tiêm vaccine có thể sẽ khó tìm được việc làm, hoặc bị phân biệt đối xử.

"Không lâu nữa trên thế giới, vaccine có thể trở thành bắt buộc, đây là kỳ vọng của tôi. Tôi nghĩ những người chưa được tiêm phòng là những người không may mắn, họ có thể không xin được việc làm hoặc không được chào đón bởi những người đã tiêm, điều này tạo ra sự phân biệt đối xử", Thủ tướng Hun Sen nói.

Ông cũng đã chỉ đạo Ủy ban Tiêm chủng COVID-19 lập kế hoạch cho chế độ tiêm chủng tiếp theo, tăng cường tiêm chủng ở các tỉnh Phnom Penh và Kandal và các vùng lân cận.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, báo Khmer Times cũng dẫn lời Thủ tướng Techo Hun Sen cho hay ông đã đề nghị Bộ Y tế nước này xem xét và chuẩn bị điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh, trong bối cảnh các ca mắc mới COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” vẫn tăng nhanh mỗi ngày.

Thủ tướng Hun Sen đồng thời yêu cầu Bộ Y tế Campuchia và các các cơ quan hữu quan lập mã quản lý để điều trị bệnh nhân tại nhà trong thời gian tới khi mà số ca nhiễm mới tiếp tục cao hơn số ca hồi phục. Đối với những trường hợp điều trị tại nhà, môi trường phải đảm bảo rộng rãi, nếu nhà chật hẹp, bệnh nhân dù có triệu chứng nhẹ vẫn phải chuyển tới điều trị tại bệnh viện.

Bộ Y tế Campuchia cùng ngày ra thông cáo xác nhận số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 72 ca, trong khi số người khỏi bệnh là 47 người. Trong 72 ca mắc mới có một ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm cộng đồng.

Như vậy đến ngày 6/4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.824 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.293 ca lây nhiễm cộng đồng, 1.794 ca hồi phục và 22 người tử vong.

Song song với đó, Campuchia tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, tính đến nay, đã có 418.569 người trên cả nước được tiêm phòng COVID-19 bằng 3 loại vaccine là Sinopharm, AstraZeneca và Sinovac.

Trong bối cảnh thủ đô Phnom Penh vẫn đang trong thời gian giới nghiêm ban đêm (từ ngày 1-14/4), người phát ngôn đồng thời là Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho hay nếu tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao thì lệnh giới nghiêm có thể được gia hạn thêm 1-2 tuần nữa.

Nhân viên y tế và xe cứu thương được huy động để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia: Phát hiện ca lây nhiễm biến thể giảm hiệu quả vaccine

Ngày 6/4, Indonesia đã phát hiện ca đầu tiên lây nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2, được cho là dễ lây lan hơn và làm giảm tác dụng bảo vệ của vaccine.

Biến thể nói trên được các nhà khoa học đặt biệt danh là "Eek" vì khả năng né tránh phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể có được sau lần nhiễm COVID trước, cũng như giảm hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine hiện nay.

Mặc dù vậy, chính phủ Indonesia cùng ngày cho biết những loại vaccine được sử dụng ở nước này có thể đối phó được với biến thể "Eek".

Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong số 30 triệu liều vaccine mà nước này đã đặt hàng, mới chỉ có 20 triệu liều sẵn sàng được giao trong tháng 3-4 do những hạn chế xuất khẩu.

Tới ngày 6/4, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.542.516 ca COVID, trong đó có 4.549 ca nhiễm mới, và 41.977 ca tử vong, bao gồm 162 ca tử vong mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 3/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thủ đô Jakarta thử nghiệm mở lại các trường học

Chính quyền thủ đô Jakarta sẽ bắt đầu thử nghiệm giảng dạy trực tiếp tại 85 trường ở cả 3 cấp học vào ngày 7/4 sau hơn một năm đóng cửa và tổ chức học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 6/4, người phát ngôn Sở giáo dục Jakarta, ông Taga Radja cho biết theo kết quả đánh giá ban đầu, 100 trường học sẽ thử nghiệm mở cửa trở lại, song sau đợt tập huấn, chỉ 85 trường sẵn sàng tổ chức các lớp học trực tiếp.

Các khối sẽ tổ chức học trực tiếp tại trường theo hình thức luân phiên từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ thứ Ba nghỉ để phun thuốc phòng dịch. Tuy nhiên, sĩ số từng lớp sẽ được giới hạn ở mức 50% công suất tối đa và các học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 vẫn tiếp tục học từ xa.

Ngoài ra, các trường tham gia thử nghiệm sẽ chỉ giảng dạy các môn chính và sẽ không tổ chức các hoạt động thể thao và ngoại khóa.

Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu mở lại tất cả các trường học trên khắp cả nước vào tháng 7 tới. Sau khi hoàn tất tiêm chủng ngừa COVID-19 cho các giáo viên và nhân viên giáo dục, các trường học tại quốc gia này được yêu cầu bắt đầu tổ chức giảng dạy trực tiếp.

Timor Leste có ca tử vong đầu tiên

Ngày 6/4, Bộ Y tế Timor Leste thông báo ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân nữ 44 tuổi, có tiền sử suy thận, được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 24/3. Timor Leste vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 8 năm ngoái.

Thu Hằng/Báo Tin tức