Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: AP
Phơi bày nghịch lý
Cuộc chiến tại Afghanistan cho thấy nghịch lý rằng lực lượng vượt trội về công nghệ có thể tiêu diệt kẻ thù một cách hiệu quả nhưng cuối cùng lại không giành được chiến thắng, đồng thời cho thấy rằng trong thế kỷ 21, thế giới cần nhiều hơn một đội quân chinh phạt, thậm chí được trang bị vũ khí tốt như quân đội Mỹ, mới có thể mang lại thành công lâu dài cho cuộc lật đổ lực lượng mong manh như Taliban. Ðiều đó đòi hỏi sự hiểu biết tối thiểu về chính trị, lịch sử và văn hóa địa phương mà lực lượng Mỹ đã lĩnh hội chậm.
Trong cuốn sách mang tên “Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, một lịch sử”, Carter Malkasian - cựu cố vấn cho Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - nói rằng nguyên nhân khiến cho nỗ lực của quân đội Mỹ trở thành “công cốc” là vì người Mỹ thiếu sự hiểu biết về sức ảnh hưởng của đạo Hồi cũng như sự phản kháng của người dân địa phương đối với cuộc xâm lược từ nước ngoài. Theo ông Malkasian, đây là những yếu tố không được Washington hiểu rõ.
“Sự hiện diện của rất nhiều người Mỹ ở Afghanistan đã khuyến khích đàn ông và phụ nữ đứng ra bảo vệ danh dự, tôn giáo và tổ ấm của họ, khiến cho những người trẻ đứng lên chiến đấu, từ đó làm cho Taliban hồi sinh và đánh sập ý chí của binh sĩ và cảnh sát Afghanistan” - ông Malkasian nhận định. Ông Malkasian cho rằng quân đội Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội ổn định Afghanistan trong những năm đầu sau khi lật đổ Taliban.
Còn Karl Eikenberry, Trung tướng về hưu và từng là Ðại sứ Mỹ tại Afghanistan, thì cho rằng quân đội Mỹ ban đầu đã chùn bước trước sứ mệnh tái thiết một đất nước nghèo khó, chìm trong nội chiến kéo dài hàng thập kỷ như Afghanistan. Tuy nhiên, lực lượng này đã hoàn thành nhiệm vụ đó nhưng kèm theo cái giá phải trả quá đắt. Theo đó, hàng chục ngàn quân chính phủ và dân thường Afghanistan đã thiệt mạng, trong khi quân đội Mỹ tổn thất hơn 2.440 lính và hơn 1.100 binh sĩ lực lượng đồng minh Mỹ bỏ mạng. Ðặc biệt, Mỹ đã chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ USD để tái thiết Afghanistan. Ngay cả sau khi rút quân, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch yêu cầu Quốc hội nước này chi thêm hàng tỉ USD để hỗ trợ binh sĩ Afghanistan, thậm chí là tiếp tục trả lương cho họ.
Chuẩn bị sơ tán “cộng tác viên”
Tổng thống Biden lập luận rằng mục đích trọng tâm trong cuộc chiến ở Afghanistan là tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và ngăn Afghanistan trở thành bệ phóng cho những cuộc tấn công vào Mỹ đã đạt được, do đó không có lý do gì để quân đội nước này phải mạo hiểm hơn nữa. Tuy nhiên, Washington vẫn sẽ giữ sự hiện diện ngoại giao ở Kabul và thúc đẩy giải pháp hòa bình nhằm làm giảm nguy cơ Chính phủ Afghanistan bị sụp đổ và sự trở lại của các mối đe dọa cực đoan.
Nhà Trắng cho biết khoảng 20.000 người Afghanistan làm phiên dịch cho Mỹ trong thời gian binh lính Mỹ tham chiến tại quốc gia Nam Á này đã đệ đơn xin tị nạn tại Mỹ để tránh sự trả thù từ lực lượng Taliban. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết thêm ngoài số phiên dịch viên nói trên, Mỹ cũng sẽ xem xét các đơn xin tị nạn của gia đình họ, nhưng không tiết lộ cụ thể sẽ đồng ý tiếp nhận bao nhiêu người thuộc nhóm này. Ước tính số người Afghanistan đủ điều kiện tị nạn tại Mỹ có thể lên đến khoảng 100.000 và quá trình di tản những người này sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7. Mỹ cũng đang đẩy nhanh việc cấp thị thực cho những người Afghanistan dễ bị tổn thương, bao gồm cả phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chính trị, nhà báo, các nhà hoạt động do họ có thể trở thành mục tiêu của Taliban sau khi Mỹ rút hết quân vào ngày 31-8.
TRÍ VĂN (Theo AP, VOX)