Dấu chấm hết cho cuộc chiến dai dẳng của Mỹ tại Afghanistan?

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington trong sự kiện vinh danh những quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến ở Afghanistan vào ngày 14-4. Ảnh: GETTY

Trước những “dấu hỏi” xoay quanh thời điểm thích hợp để rút quân, tương tự như những vướng mắc của hai người tiền nhiệm, ông Biden kết luận rằng, sẽ không thể có thời điểm thích hợp. Mỹ đến Afghanistan từ 20 năm trước sau một cuộc tấn công kinh hoàng, song, điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ phải tiếp tục kéo dài cuộc chiến này thêm nhiều thế hệ nữa. Ông Biden nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dai dẳng nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ phải trở về nhà từ Afghanistan”. Với tiến trình rút quân này, ông Biden khẳng định, đây không phải là cách vội vàng để thoát khỏi cuộc chiến. Dù không còn hiện diện quân sự nhưng Mỹ vẫn tự tin sẽ có khả năng theo dõi bất kỳ sự trỗi dậy nào của al-Qaeda và có thể bảo vệ các đối tác của mình ở Afghanistan.

Chỉ vài tiếng sau thông báo của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thực hiện chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Kabul, Afghanistan và hội đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Cấp cao về Hòa giải quốc gia Abdullah Abdullah. Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ, sự xuất hiện của ông ở Kabul ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ là một minh chứng bằng hành động cụ thể rằng, Mỹ cam kết sát cánh lâu dài với Afghanistan. Mỹ cam kết sẽ tăng cường sức mạnh ngoại giao của mình để thúc đẩy các nỗ lực nhằm đảm bảo một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và quân nổi dậy Taliban. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, mối đe dọa từ al-Qaeda đang suy giảm đáng kể và nhấn mạnh rằng, Mỹ chưa bao giờ có ý định hiện diện quân sự lâu dài ở Afghanistan.

Ngay sau quyết định rút quân của Mỹ, Anh cũng tuyên bố ủng hộ việc rút quân có trật tự khỏi Afghanistan, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền sở tại củng cố năng lực an ninh, bảo vệ thành quả chống khủng bố xuyên suốt 20 năm qua. Đức cũng tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan sau thông báo của Tổng thống Mỹ và quyết định của Mỹ về việc điều động thêm 500 quân đồn trú ở Đức để tăng cường quan hệ song phương. 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã nhóm họp và thống nhất rút quân khỏi Afghanistan.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, việc NATO rút quân là bước khởi đầu cho một chương mới trong mối quan hệ với Afghanistan. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đánh giá, việc rút quân khỏi Afghanistan chắc chắn sẽ có những tác động đến Afghanistan. Lực lượng của Liên hợp quốc vẫn sẽ ở lại để tiếp tục giúp đỡ người dân Afghanistan và thích ứng với tình hình mới.

Trước những động thái này, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, chính phủ của ông tôn trọng các quyết định rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan và sẽ cố gắng đảm bảo một cuộc chuyển giao thuận lợi, an toàn. Trước những lo ngại về an ninh sau khi không còn quân đội nước ngoài, Tổng thống Ghani khẳng định, các lực lượng quốc phòng, an ninh của nước này đủ năng lực để bảo vệ người dân.

Nhìn lại cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, giới quan sát cho biết, quyết định rút quân khỏi Afghanistan được Tổng thống Biden công bố trong Phòng Hiệp ước của Nhà Trắng, nơi mà cựu Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố chiến tranh ở Afghanistan vào tháng 10-2001. Trong lời thề năm ấy, cựu Tổng thống Bush nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không dao động, chúng ta sẽ không mệt mỏi, chúng ta sẽ không chùn bước và chúng ta sẽ không thất bại". Kể từ đó, Mỹ đã bước vào cuộc chiến kéo dài nhiều thế hệ với sự tốn kém có thể ngang bằng thiệt hại trong vụ tấn công 11-9.

Quyết định của Tổng thống Biden mới đây là điều mà 2 người tiền nhiệm của ông Biden là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump chưa thể làm được dù rất “nóng lòng” muốn kết thúc cuộc chiến tiêu tốn nhân mạng và tài sản này. Khi tại vị, 2 cựu Tổng thống Mỹ chưa thể quyết định thời điểm chính thức rút quân khỏi Afghanistan, một phần là do lo sợ sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như không muốn để người Afghanistan bị bỏ lại phía sau.

Thanh Trúc