Để đào phai Đông Sơn có chỗ đứng

Đào phai Đông Sơn khoe sắc.

Từ hàng chục năm nay, cây đào phai đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã Đông Sơn. Ngày nay, những vườn đào đã thay thế cho các ruộng lúa, ngô, khoai, sắn là các cây trồng chủ lực trước đây. Có thể nói, đi bất cứ đâu trên địa bàn xã Đông Sơn cũng đều bắt gặp những vườn đào nở rộ. Không chỉ xuất bán đi khắp nơi, trên trục đường chính của xã như một chợ hoa kéo dài với hàng nghìn cây đào, cành đào được người dân mang ra bày bán, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến chọn mua.

Có dịp ghé thăm Đông Sơn, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay trong cuộc sống của mảnh đất và con người nơi này. Từng nếp nhà cấp bốn xưa kia của người dân đã được thay thế bởi những ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Nhiều gia đình còn sắm được ô tô và nhiều phương tiện giao thông tiên tiến phục vụ cho cuộc sống và công việc trồng đào phai.

Ghé thăm vườn đào phai của gia đình ông Phạm Xuân Thủy, thôn 6, xã Đông Sơn khi đang có hàng chục khách hàng đến để chọn đào. Phần lớn khách mua đào đến với vườn đào phai của ông Thủy đều là những khách hàng lâu năm, họ đều đánh giá nét độc đáo của cây đào vùng này. Ông Thủy cho biết, nghề trồng đào của Đông Sơn có từ lâu đời rồi nhưng khoảng 20 năm nay gia đình liên tục mở rộng diện tích trồng đào. Mới đầu chỉ là vài chục cây trên diện tích đất nhỏ, sau thì diện tích trồng đào tăng dần.

Hiện gia đình ông Thủy trồng đào trên 1,5 mẫu đất đồi với khoảng trên 1.000 cây, mỗi năm xuất bán khoảng 800 cây đào. Ông Thủy chia sẻ, việc trồng đào đã gắn bó với gia đình từ lâu, nên ít nhiều cũng rút ra được kinh nghiệm, việc chăm sóc lúc đầu có gặp khó khăn nhưng đến nay chăm sóc đầy đủ cây đào phát triển tốt hơn, thể hiện ở việc nụ hoa to, đều, cánh to và cứng cáp.

Đào phai Đông Sơn khoe sắc.

Các cây đào được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận theo đúng quy trình nên cho thân thẳng, cành to, trổ nhiều nụ và hoa cánh to, đều với màu sắc hồng phai đặc trưng của đào Đông Sơn. Theo ông Thủy, năm nay, do thời tiết thuận lợi, kết hợp với việc chăm sóc đúng cách nên cây đào có nhiều nụ, hoa to, do đó, giá đào có tăng nhẹ so với các năm trước.

Bình quân giá đào tại vườn gia đình ông Thủy dao động từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng đồng/gốc, cá biệt có gốc lên tới 2 triệu đồng. Người mua có thể cắt đào từ gốc, hoặc có thể đào cả gốc về trồng lâu dài. Tại vườn đào phai của gia đình ông, có nhiều cây đào đã được khách hàng đặt mua, có người còn mua cả chục cây đào về, vừa là để chơi vừa để biếu.

Tại vườn đào phai của ông Thủy, anh Vũ Văn Lĩnh, thôn Lang Ca, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp đang tỉ mỉ chọn cho gia đình một cành đào chơi Tết cho biết, năm nào gia đình anh cũng đến tận vườn để chọn cây đào phai bởi vào vườn tha hồ chọn cho phù hợp với không gian trưng bày của gia đình, đào phai ở đây có 5 cánh rất đẹp, chơi được lâu và truyền thống đào phai Đông Sơn có từ lâu đời rồi, rất nhiều người ưa chuộng giống đào này. Thường thì đào phai Đông Sơn phải chơi được trong 1 tháng.

Đông Sơn là vùng đất đồi rừng, có địa hình phần lớn là đồi đất nên rất thích hợp cho loại cây trồng này. Chính vì thế, từ nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, chính quyền xã Đông Sơn luôn xác định đào phai là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã. Ông Nguyễn Đình Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, hiện nay 10/10 thôn của xã của Đông Sơn đều có làng nghề trồng đào phai được công nhận là làng nghề truyền thống với tổng diện tích trồng đào trên 125 ha.

Đặc biệt, trong năm 2020 cây đào phai Đông Sơn đã được cấp giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu "Đào phai Tam Điệp". Đây là cơ sở để đào phai Đông Sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cũng là tiền đề để nhân rộng mô hình trồng đào phai ra nhiều địa phương khác của thành phố. Vừa qua, xã Đông Sơn đã tổ chức Hội thảo quảng bá thương hiệu đào phai nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người trồng đào đăng ký nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị cây đào phai trên thị trường.

Đào phai Đông Sơn được thương lái về thu mua để bán ở tỉnh ngoài.

Nhờ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và khai thác thị trường, đào phai Đông Sơn đã được khách hàng gần xa biết đến. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đào phai Đông Sơn còn được thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố đến thu mua như: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình... Bình quân đào phai Đông Sơn đã mang lại nguồn thu khoảng 20 tỷ đồng/năm, UBND xã Đông Sơn cho biết, với giá đào phai hiện tăng khoảng 20-30%, dự kiến vụ Tết năm nay người trồng đào phai xã Đông Sơn sẽ thu về khoảng 25 tỷ đồng.

Để tiếp tục phát triển các làng nghề trồng đào phai, thời gian tới xã Đông Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản phẩm cây đào, trồng những cây đào thế có giá trị kinh tế cao hơn, mang lại thu nhập cho nhân dân trong xã.

Bài và ảnh: Đức Phương (TTXVN)