Đi học kỹ năng sống nhưng cha mẹ sợ con bị hành hạ khi tự dọn dẹp bát đĩa của chính mình

Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương trăn trở, có trẻ dù đi học kỹ năng sống nhưng cha mẹ sợ con bị hành hạ khi tự phục vụ chính mình. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Đi dạy, làm việc và tiếp xúc hằng ngày với trẻ, nỗi lo sợ của một giáo viên ngày càng tăng. Thực sự, trẻ bây giờ khác xưa quá nhiều.

Đánh mất lòng tin vào người khác

Ngày xưa, trẻ thơ ngây lắm, người lớn nói sao tin vậy. Mỗi khi gặp một biến cố nào đó, việc đầu tiên là lũ trẻ sững sờ nhìn, miệng há hốc nói không nên lời. Lũ trẻ ngày nay thì khác, khi gặp sự cố, ngay lập tức chúng linh hoạt, lập tức soi mói xem nguyên nhân tại đâu.

Tôi vẫn nhớ bài học về tính ăn cắp dạy cho các trẻ nhỏ (từ 5 đến 9 tuổi) hôm trước. Khi tôi tuyên bố đồ của cả lớp đã thất lạc, lập tức các bé trợn mắt, chỉ thẳng tay vào mặt cô giáo và hét rất to: “Nghi các cô, rất nghi các cô, cô Hương và cô Nga”. Điều này khiến tôi thật sự ngỡ ngàng.

Thái độ bọn trẻ dường như không phải nuối tiếc vì mất đồ mà lập tức đổ lỗi và truy tìm “kẻ phạm tội”.

Tôi thật sự lo sợ nếu bọn trẻ thiếu sự trong sáng và đánh mất lòng tin vào người khác đến vậy. Những cảm xúc chân thật khi đột ngột nhận tin xấu đâu rồi? Tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối nếu như lũ trẻ không có được cái cảm xúc chân thực đó.

Dĩ nhiên, sau đó tôi cũng giải quyết xong bài dạy và khiến bọn trẻ nhận ra ăn cắp là rất xấu, hứa không bao giờ ăn cắp, nhưng cảm giác tiếc nuối còn mãi.

Sự đòi hỏi không biên giới

Trẻ ngày xưa luôn nghĩ mình lớn lên sẽ làm một việc gì đó rất có ích cho cuộc đời. Ngược lại, trẻ bây giờ hễ làm việc dù một ngày cũng phải tính lương, tỏ ra khá sòng phẳng.

Khi tôi tuyển dụng các bạn trẻ, nhiều khi vào làm thử việc, các bạn quá lúng túng, chẳng làm nổi việc gì, đành phải cho nghỉ. Nhưng khi vừa mới nói ra rằng "các bạn chưa đủ khả năng làm việc" thì có bạn đã đề cập đến lương mấy ngày thử việc vừa rồi.

Hôm trước, tôi đi quay chương trình của VTV3 về chủ đề "Thỏa hiệp cùng con", có một phụ huynh tham gia cùng kể ngay câu chuyện con mình đòi Iphone. Lập tức bố mẹ tìm cách thỏa hiệp cùng con về việc học hành tử tế, nhà cửa gọn gàng sẽ được thưởng.

Phải chăng đây là lý do để bọn trẻ đòi hỏi ngày càng nhiều? Mới là học sinh cấp 2 thì lý do gì lũ trẻ lại đòi hỏi điện thoại đắt tiền? Tại sao phụ huynh phải đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con mình?

Cái tôi rất "to"

Một vấn đề nữa cũng làm tôi trăn trở là cái tôi của trẻ em ngày nay rất "to". Cứ hễ ai động tới khuyết điểm dù rất nhỏ thì ngay lập tức thái độ của các cháu rất dữ dội, quyết liệt. Dường như việc bảo vệ bản thân trở nên quan trọng hơn là nhận ra sai lầm, khuyết điểm.

Trong khi đó, trẻ con ngày xưa ít dám thể hiện quá nhiều và không phản ứng quá mức với bố mẹ. Với thầy cô giáo cũng thế, lúc nào trẻ cũng phải rón rén đứng xa nhìn, nói với thầy cô rất lễ phép và mang thái độ tôn trọng.

Có thể nói, trẻ mới bắt đầu hòa nhập và giao tiếp trong cộng đồng nhỏ, trong sáng và hạn hẹp, có nội quy rõ ràng, đó là môi trường học đường. Nhưng khi cái tôi quá lớn, các con không thể kiềm chế được khi có mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô.

Vậy nếu sau này ra đời, trong cộng đồng rộng lớn, phức tạp hơn nhiều, các con sẽ sống và hành xử thế nào?

Sự vô cảm

Nếu thấy một ai đó đang gặp chuyện gì đó, bọn trẻ sẽ lập tức rút điện thoại ra quay, cười nói bàn tán chứ không có ý định giúp đỡ. Chẳng bạn nào nghĩ đến là nếu chính mình gặp chuyện và gặp sự vô cảm này thì sao?

Đồng thời, qua quan sát, tôi nhận thấy không ít đứa trẻ thời nay lười biếng do quen được chiều chuộng, phục vụ. Học trong lớp kỹ năng sống của tôi mà có nhiều cháu bảo với các cô là: "Cháu không làm việc này, việc kia đâu. Cháu đã trả tiền rồi nhé".

Nói thật, nghe câu đó của các cháu, tôi thật sự sốc. Bố mẹ trả tiền cho con đi học kỹ năng sống, nghĩa là phải học cách tự phục vụ bản thân và biết cách bảo vệ chính mình. Vậy nhưng cứ yêu cầu các cháu làm thì rất dễ gặp phải ánh mắt đầy vẻ bực bội của các cháu.

Có khi nào cha mẹ thấy mình có lỗi, cùng nhìn lại cách giáo dục của mình xem có vấn đề không, có lỗ hổng và khoảng trống nào không? (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Tôi thấy có những ông bà đi đón cháu, thấy cháu mình mang vác vật gì đó là hét lên: “Trời, sao cháu tôi lại bị hành hạ thế kia? Các cháu đến đây để học chứ có phải để phục vụ đâu?”.

Dù trẻ ăn và tự dọn dẹp bát đĩa của chính mình cũng khiến những bậc phụ huynh cảm thấy không hài lòng và xem đó là bóc lột trẻ.

Nếu đã không để con em tự giác, chủ động trong mọi việc, biết tự phục vụ mình thì các bậc phụ huynh còn cho con em đi học kỹ năng sống để làm gì?

Hôm trước, khi dắt một em bé đi dạo bên bờ biển, tôi lập tức bị những người xung quanh mắng: “Tội con nhỏ, nắng quá, lấy nón che cho nó đi chứ”, “Con thích bim bim thì mua cho con đi”, “Bế nó đi chứ, sao để nó đi bộ thế, mỏi chân”...

Dường như người lớn bây giờ vô cùng sợ trẻ bị thiệt, dù không hiểu sự thiệt đó là cái gì. Họ làm cho lũ trẻ tin rằng, các con luôn có đặc quyền, đặc lợi hơn hẳn người lớn. Vì thế, các cháu sớm hình thành tính đòi hỏi, ích kỷ.

Việc đi bộ hết sức bình thường cũng trở thành một dạng bạo hành trẻ thì bảo sao trẻ lại luôn nghĩ mọi công việc là trách nhiệm của người lớn. Từ đó, trẻ vô cảm và đòi hỏi là đương nhiên.

Vậy, phụ huynh, bên cạnh việc chu cấp đầy đủ vật chất cho con, cho con tham gia những lớp học đắt đỏ, phương tiện học tập hiện đại có bao giờ lo ngại trước thái độ vô cảm, lười biếng, ích kỷ của con em mình?

Có khi nào cha mẹ thấy mình có lỗi, cùng nhìn lại cách giáo dục của mình xem có vấn đề không, có lỗ hổng, khoảng trống nào không về "sản phẩm giáo dục" của chính mình?