Dự ở điểm cầu T.Ư có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, TP ở 58 điểm cầu trên cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu với các điểm cầu trên cả nước.
Ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Vũ Trí Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Đây là diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên, diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở này, các địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021-2025 trong bối cảnh đất nước và thế giới đang có những chuyển biến rất nhanh với nhiều thuận lợi, thời cơ xen lẫn nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với tỉnh Bắc Giang, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng thời gian qua, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa quyết liệt, chủ động phòng, chống dịch, vừa nỗ lực phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Với nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, đến nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế và đẩy lùi. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn ước đạt 4,3%. Môi trường đầu tư được cải thiện; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; sản xuất nông nghiệp ổn định, công nghiệp từng bước phục hồi hoạt động trở lại.
Trong chương trình chuyển đổi số, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết tập trung phát triển trên 3 trụ cột chính đó là: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tại diễn đàn này có hai phiên thảo luận gồm: Quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số. GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; đại diện Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT, đại diện tỉnh Quảng Ninh…đối thoại xoay quanh các sáng kiến quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Trong khi đó, phiên 2 về cơ hội tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới với sự tham gia của chuyên gia ngân hàng thế giới cùng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận về khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các địa phương.
Trên cơ sở yêu cầu của từng phiên, tại diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định: Trạng thái bình thường mới đòi hỏi các địa phương thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển; nhất là nắm bắt cơ hội trong thách thức. Đây là lúc cần tính đến những vấn đề phát triển KT-XH không chỉ trong dịch mà cả ngay sau khi đại dịch được khống chế, để đạt được những kết quả khả quan ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025.
Để làm được những điều này, các chuyên gia cho rằng trước hết phải nâng cao năng lực quản trị thực thi, biến quyết tâm thành chiến lược chính sách và đưa được chính sách đời sống thực tiễn.
Ở cấp địa phương, đó là việc cần xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát khoa học, bài bản, minh bạch việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ. Tiếp đó là quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, hệ thống thể chế, chính sách, phát triển nhân tố con người nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra nhiều dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý…
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, văn kiện Đại hội XIII bao quát toàn diện nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước; khơi dậy ý chí, khát vọng, lan tỏa đến mọi địa phương tinh thần hành động quyết liệt, quyết tâm thoát khỏi lối mòn để bứt phá, vươn lên một cách mạnh mẽ.
Vì vậy, đây là lúc rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước. Có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia.
Đồng chí nhấn mạnh việc chuyển đổi số là xu hướng của thời đại, do vậy phải nắm bắt cơ hội để tạo sự đột phá. Trước tiên là chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo T.Ư đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi. Quan tâm vào các yếu tố cơ bản: Hạ tầng công nghệ; hệ thống thể chế chính sách và phát triển nhân tố con người.
Cùng đó lưu ý, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển. Vì vậy phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Tin, ảnh: Quốc Trường