Đội tuyển cử tạ Việt Nam: Thắc thỏm chờ vé

Sự chờ đợi hiếm gặp

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng, hiếm khi cử tạ Việt Nam phải trong trạng thái thắc thỏm chờ vé dự Olympic như kỳ này. Trước vài kỳ Olympic gần đây, cử tạ Việt Nam không có trường hợp dương tính với chất kích thích khiến Liên đoàn Cử tạ thế giới phải nâng lên đặt xuống trước khi ra quyết định về số suất tham dự Olympic của cử tạ Việt Nam.

Nhưng ở lần này, cử tạ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không được trao đủ suất tham dự Olympic Tokyo 2020 kể cả khi đã đủ VĐV đáp ứng tiêu chí tham dự. Nguyên nhân đến từ việc có 4 VĐV cử tạ Việt Nam dương tính với chất kích thích trong quá trình tập luyện. Việc này đến từ nỗ lực của Liên đoàn Cử tạ thế giới trong phòng, chống sử dụng chất kích thích khi tập luyện cũng như thi đấu.

Với số lượng VĐV dương tính với chất kích thích trong vòng 2 năm này, cử tạ Việt Nam đứng trước việc không được cử đủ số VĐV dự Olympic tới. Tất cả phụ thuộc vào đánh giá và quyết định về số suất tham dự Olympic của Liên đoàn Cử tạ thế giới. Bởi rõ ràng, đã có quốc gia bị cấm cử VĐV cử tạ dự Olympic do có quá nhiều VĐV dương tính với chất kích thích tại các giải đấu hoặc khi tập luyện.

Trong trường hợp của cử tạ Việt Nam, như nhận định của ông Đỗ Đình Kháng thì có thể rơi vào trường hợp chỉ được cử 2 VĐV dự Olympic 2020 hoặc cũng có thể là được cử tất cả VĐV đáp ứng tiêu chí dự Olympic. Để có đáp án chính xác, tất cả phải chờ đến đầu tháng 6. Khi ấy, Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2021, diễn ra ở Uzbekistan, vừa kết thúc và trật tự bảng xếp hạng cử tạ thế giới cho vòng loại Olympic 2020 mới được xác định.

Còn khi giải đấu này đang diễn ra, nhìn vào thứ hạng của các VĐV Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới, mới có Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) trong nhóm 8 VĐV xếp đầu của mỗi hạng cân (sau khi trừ đi số VĐV trùng quốc tịch hoặc không dự Olympic), đủ điều kiện dự Olympic. Trong khi đó, Vương Thị Huyền đang tạm xếp thứ 9 hạng 49kg nữ, thua VĐV xếp ngay trên đúng 3 điểm.

Và nếu nhìn vào danh sách VĐV của nhóm này, cơ hội giành huy chương Olympic 2020 của Thạch Kim Tuấn lại sáng sủa nhất trong các lực sĩ Việt Nam. Thế nhưng đó là lý thuyết. Trong khi thực tế Thạch Kim Tuấn chưa bình phục hẳn chấn thương lưng và đầu gối. Chính việc này khiến anh không thể hoàn thành phần thi cử đẩy tại Giải vô địc cử tạ châu Á. Cả 3 lần nâng tạ, Thạch Kim Tuấn đều thất bại dẫn đến không được tính thành tích cử tổng, lỡ cơ hội tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới.

Trước mắt cử tạ Việt Nam vẫn đang chờ ngày Liên đoàn Cử tạ thế giới công bố dánh sách VĐV dự Olympic 2020 để biết có bao nhiêu VĐV và VĐV nào sẽ giành vé đến sân chơi thể thao lớn nhất thế giới này.

Đô cử Hoàng Thị Duyên đang nhiều hy vọng giành vé dự Olympic 2020.

Hành trình gian nan

Ngay sau khi trở về Việt Nam từ Uzbekistan – nơi diễn ra Giải vô địch cử tạ châu Á và tháng 4 vừa qua, đội tuyển cử tạ Việt Nam gồm 2 HLV, 3 VĐV đã thực hiện cách ly y tế tại khu cách ly thuộc huyện Bàu Bàng (Bình Dương).

Theo tính toán, ngày 12/5, đội đã thực hiện xong cách ly y tế để trở về địa điểm tập trung tập huấn trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch đã phải thay đổi do đến gần thời gian kết thúc cách ly thì một người trong khu cách ly lại có kết quả dương tính với COVID-19. Cũng vì vậy, nhóm VĐV Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên phải cách ly y tế thêm 21 ngày; còn HLV Huỳnh Hữu Chí, HLV Lưu Văn Thắng, VĐV Thạch Kim Tuấn phải cách ly y tế thêm 7 ngày theo đúng quy định tại địa điểm cách ly. Đến những ngày cuối tháng 5, toàn bộ đội tuyển dự Giải vô địch cử tạ châu Á vừa qua mới hết cách ly.

Trước khi tới Uzbekistan, 5 thành viên đội cử tạ đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Khi có mặt tại Uzbekistan, từng thành viên của đội tuyển cũng được y tế quốc gia sở tại lấy mẫu thử COVID-19 và tất cả đều cho kết quả âm tính.

Cũng vì vậy, khả năng nhiễm COVID-19 của các thành viên đội tuyển đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề của đội tuyển là khâu tập luyện bị gián đoạn khá dài trong thời gian cách ly y tế đầu tiên khi trở về Việt Nam. Việc chỉ tập thể lực mà không có thiết bị tạ đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện. Vấn đề ở đây lại nằm ở khâu chuẩn bị của bộ phận có trách nhiệm trong đó phải liên hệ với địa điểm cách ly y tế để đưa thiết bị tập luyện đến cũng như hỗ trợ phần dinh dưỡng, thuốc cho VĐV. Điều đó dẫn đến việc VĐV phải tập chay trong một thời gian dài. Rồi bộ phận chức năng cũng không tính đến trường hợp khu cách ly có ca dương tính với COVID-19 dẫn đến kéo dài thời gian cách ly.

Đương nhiên, khi không có kịch bản dự phòng thì việc bị động trong quá trình thực hiện là đương nhiên. Cũng vì thế mà phải sau một thời gian dài, thiết bị tạ mới được chuyển vào khu cách ly y tế để các VĐV đội tuyển như Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền tập luyện. Tất nhiên, dù muộn cũng hơn không. Nhưng việc “muộn” thế này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tập luyện của đội tuyển để chuẩn bị cho Olympic 2020 trong trường hợp có vé tham dự ngày hội thể thao giàu uy tín bậc nhất thế giới này.

Rõ ràng, cử tạ Việt Nam đang có quá trình chuẩn bị cho Olympic 2020 không được như ý. Người có khả năng giành huy chương lại đang chạy đua với thời gian để chữa trị chấn thương. Còn người khỏe khoắn lại phải tập chay trong thời gian dài. Giờ thì chỉ còn cách chạy đua với thời gian để tìm lại phong độ tốt nhất.

Đã dự đoán Thạch Kim Tuấn khó giành huy chương châu Á

Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng kể rằng trước khi đội tuyển dự Giải vô địch cử tạ châu Á vừa qua, Thạch Kim Tuấn tập luyện với sự khó nhọc do chấn thương. Khi thấy việc này ông đã dự báo rằng đô cử này khó giành huy chương tại giải. Quan trọng vẫn là để đô cử này đi thi đấu nhằm lấy lại cảm giác thi đấu quốc tế để rồi về nhà chữa trị chấn thương để có thể giành huy chương nếu được dự Olympic tới.

Minh Khuê

Minh Hà