Đông Nam Á: Thách thức khi mở cửa nền kinh tế trong đại dịch

Tiêm chủng vắc xin COVID-19 – chìa khóa mở cánh cửa nền kinh tế

Tính đến ngày 28/3, thế giới đã tiêm chủng được hơn 510 triệu liều vắc xin COVID-19, nhưng số người được tiêm ở các quốc gia phát triển, giàu có hơn rất nhiều ở các nước có thu nhập thấp, khoảng cách tiếp cận vắc xin giữa các quốc gia đang ngày càng nới rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục lên tiếng kêu gọi các nước giàu tài trợ vắc xin giúp đỡ các quốc gia nghèo.

Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ về Châu Á - Thái Bình Dương Armida Salsiah Alisjahbana nhận định, để đạt được miễn dịch cộng đồng, các quốc gia cần phải tiêm cho 60-70% dân số. Tuy nhiên điều này thực sự khó khăn và là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển ở khu vực.

Bất chấp các nỗ lực tiêm chủng tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành. Tại Đông Nam Á, trong khi một số quốc gia dịch bệnh đang được kiểm soát thì cũng có những nước, tình hình cực kỳ nghiêm trọng như Philippines, Indonesia, Malaysia, số ca nhiễm mới theo ngày lên đến trên 1000 người. Tại Philippines, trong hai ngày 26- 27/3, số người mắc COVID-19 mới trong ngày đạt kỷ lục, liên tục vượt 9000 người mỗi ngày. Số người tử vong vì COVID-19 là hơn 13.000 người. Quốc gia có gần 110 triệu dân này đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm nay, mặc dù đến thời điểm này Philippines mới tiêm cho khoảng nửa triệu người đều là các đối tượng ưu tiên.

Thống kê số ca nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á cuối năm 2020

Nếu Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1,5 triệu người nhiễm bệnh, thì Campuchia dịch có chiều hướng gia tăng, quốc gia này vừa trải qua ngày có ca mắc mới cao nhất với 179 trường hợp, đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Năm 2020, Campuchia chỉ có hơn 360 trường hợp COVID-19, không có ca tử vong, nhưng quý 1 năm 2021 chưa qua, nước này đã ghi nhận 2147 người mắc COVID-19, 9 người tử vong. Đến nay, Campuchia cũng đã tiêm cho hơn 366.000 người trong diện ưu tiên.

Để cứu ngành du lịch – Thái Lan vừa đồng ý cho phép những người nước ngoài đã tiêm vắc xin đến Phuket du lịch mà không cần cách ly. Bởi theo giới chức Thái Lan, 70% người dân trên hòn đảo du lịch này đã được tiêm chủng. Đất nước có nền kinh tế phụ thuộc du lịch này đang tìm mọi cách để vận hành trở lại ngành “công nghiệp không khói” bằng cách gia tăng tiêm chủng, giảm thời gian cách ly ở những địa điểm được cho là “an toàn”.

Thách thức chờ đợi

Thực tế, ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, nơi có số người được tiêm chủng cao, nhưng số trường hợp mắc bệnh vẫn gia tăng. Tín hiệu lạc quan nhất là số ca nhập viện và tử vong đang giảm. TS. Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) nhận định, dù các ca tử vong có giảm, tuy nhiên các biến thể mới của COVID-19 vẫn đang phát tán trên diện rộng. Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 tháng nữa để đạt miễn dịch cộng đồng.

Nếu các nước gia tăng tốc độ tiêm chủng, các hoạt động đi lại, du lịch có thể khởi động trở lại

Vấn đề khó khăn hiện nay là ngay cả với những người tiêm phòng đầy đủ vẫn có khả năng mắc bệnh, người dân cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc, bởi đến nay, chưa có loại vắc xin nào đảm bảo bảo vệ 100%.

Chuyên gia kinh tế của LHQ Alisjahbana cho rằng vấn đề nguồn cung vắc xin, tài chính, cơ sở hạ tầng kém là những trở ngại của các nước đang phát triển trong việc tiếp cận vắc xin. Khi các quốc gia giàu có đặt mua vắc xin với số lượng lớn, những nước nghèo phải xếp hàng hoặc không có đủ tiền để mua. Kể cả liên minh toàn cầu về vắc xin COVAX cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vắc xin. Bà Alisjahbana nói: “Các hoạt động kinh tế, bao gồm du lịch, lưu thông hàng hóa, đi lại có thể bắt đầu” một khi các nước gia tăng tốc độ tiêm chủng. Singapore và Indonesia đang trong quá trình bàn thảo để mở một “hành lang du lịch an toàn” giữa hai nước vào ngày 21/4 tới.

Hộ chiếu vắc xin được xem là giải pháp khả dĩ nhất để mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhưng điều này lại vấp phải hàng loạt thách thức như vắc xin không được tiếp cận công bằng, hộ chiếu vắc xin không được áp dụng đồng loạt trên thế giới, các tiêu chuẩn xét nghiệm COVID-19 cũng như loại vắc xin không đồng bộ…. Đây chính là những khó khăn mà các nước Đông Nam Á và thế giới cần phải vượt qua.

Hải Yến

(theo CNBC, Chanelnewasia, CSIS)