Sự kỳ vọng của người đứng đầu Nhà nước trong thông điệp chúc Tết Giáp Thìn 2024 về việc “tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa” đặt ra đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cơ quan, tổ chức, mọi chiến sĩ, đồng bào.
.Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Tất nhiên, đối với các lĩnh vực khác nhau thì việc khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực cũng có những đặc trưng và biến thiên nhất định. Xét trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, sự kỳ vọng này cũng hướng tới những sự đặc thù nhất định.
Đưa cuộc sống vào luật
Kỳ vọng đối với cơ quan lập pháp đó chính là việc chú trọng công đoạn hoạch định chính sách, để từ đó thông qua những đạo luật có khả năng phá bỏ những rào cản của cơ chế, khai thông các vướng mắc trong xã hội.
Trong thời gian qua, nhiều đạo luật được ban hành nhưng không phù hợp với cuộc sống, dẫn đến nhiều bất cập trong triển khai thi hành. Chúng ta thường chỉ quan tâm và băn khoăn về một vấn đề là tại sao luật không đi vào được cuộc sống, tức là thường chỉ xem xét, đánh giá dưới góc độ thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, đó chỉ là hệ quả. Cái gốc của vấn đề chính là ở chỗ chúng ta đã không đưa được cuộc sống vào luật và nguyên nhân của hạn chế đó chủ yếu thuộc về những khiếm khuyết trong nghiên cứu, hoạch định chính sách. Một khi chính sách chưa được làm rõ thì việc bắt tay vào soạn thảo văn bản pháp luật giống như “mò mẫm đi trong đêm tối”. Hậu quả là nhiều quy định được ban hành ra nhưng không đi vào cuộc sống.
Chính vì vậy, cơ quan lập pháp cần chú trọng vấn đề xây dựng và phân tích, hoạch định chính sách. Trong giai đoạn này, cần phải lưu ý những công đoạn như nhận biết vấn đề, tìm ra nguyên nhân của vấn đề, tìm ra giải pháp để xử lý, nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan, nghiên cứu khả năng tài chính để bảo đảm triển khai thi hành các quy định của văn bản. Chỉ khi chính sách được phân tích cụ thể, rõ ràng thì các đạo luật được ban hành ra mới trở thành công cụ bảo vệ lợi ích của con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Áp dụng hiệu quả các quy định về tùy nghi hành chính
Kỳ vọng đối với cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính đó chính là việc áp dụng các quy định về tùy nghi hành chính một cách tích cực, hiệu quả.
Tùy nghi hành chính là quyền tự suy xét, tự quyết định của cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính. Theo đó, cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính có quyền tự do lựa chọn hành động hoặc không hành động; và nếu hành động thì có quyền quyết định một giải pháp theo ý chí của mình chứ không bị áp đặt trên cơ sở các quy định pháp luật cụ thể.
Cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính gấp nhiều lần số lượng và biên chế của tất cả cơ quan nhà nước khác cộng lại. Số lượng khổng lồ lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước nên các cơ quan hành chính là những chủ thể tiếp xúc nhiều nhất với cá nhân, tổ chức. Do đó, hoạt động của cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính thường xuyên xuất hiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền tùy nghi. Vì lẽ này mà việc sử dụng quyền tùy nghi hành chính cần được thực hiện một cách hiệu quả.
Đời sống xã hội luôn biến động và phát triển, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng đa dạng và phức tạp nên đòi hỏi cơ quan quản lý phải ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, vận dụng sáng tạo pháp luật, tìm kiếm biện pháp giải quyết mọi tình huống phát sinh một cách có hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể có được dựa trên cơ sở phát huy tích cực quyền tùy nghi hành chính.
Bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án TAND TP.HCM
TS CAO VŨ MINH