Nhân đọc bài “Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa Nga cứu thế giới” và những thông tin mới về việc Nga tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ hiện đại hóa Hệ thống cảnh báo sớm đòn tấn công tên lửa, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số thông tin chi tiết hơn về hệ thống này của Nga qua bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế tên lửa TSIMASH.
Bài đăng trên “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” (Nga) ngày 10/11/2021 mới đây. Chúng tôi có lược đi một số phần đã được đề cập tới trong bài báo nói trên. Phần in nghiêng ở giữa bài để nhấn mạnh điểm chưa hoàn thiện cuarv hệ thống là của tác giả. Sau đây là nội dung bài viết.
Hệ thống Cảnh báo Tấn công Tên lửa (SPRN- viết tắt tiếng Nga, xin dùng cụm từ viết tắt này để tiết kiệm thời gian-ND) mới được hiện đại hóa xong sẽ được chuyển từ chế độ hoạt động thử nghiệm sang chế độ trực chiến ngay trong năm tới (tức năm 2021-ND).
Tuy nhiên, trong còn khoảng ba năm nữa, nói theo ngôn ngữ của X. Pushkin thì "chú gà trống vàng" nhìn thấy mọi thứ của Nga này sẽ còn phải hoạt động với một chức năng chưa hoàn thiện vì cuộc khủng hoảng kéo dài của ngành vũ trụ quốc nội hiện nay.
Việc hiện đại hóa SPRN được triển khai do (Nga) đã có thêm một số thành tố mới giúp tăng tốc độ xử lý dữ liệu và độ tin cậy của thông tin về các vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược và tên lửa đạn đạo chiến lược ở cả Đông bán cầu và Tây bán cầu. Hệ thống này được tăng cường các đài ra đa và sở chỉ huy mới, các kênh truyền số liệu đã được hiện đại hóa.
Vào tháng 8/2020, Tổng công trình sư (dự án hiện đại hóa SPRN) Xergey Boev đã tuyên bố rằng mọi thử nghiệm SPRN cấp nhà nước đã kết thúc thành công.
Vào tháng 1/2021, hệ thống có kênh thông tin truyền thẳng tới lãnh đạo cao nhất của đất nước này sẽ bắt đầu trực chiến. Rất nhiều khả năng đây chính xác sẽ là những gì sẽ xảy ra.
Chứ không phải lặp lại câu chuyện của ba năm trước, khi cũng chính tổng công trình sư này tuyên bố SPRN hiện đại hóa sẽ được đưa vào trực chiến vào cuối năm 2017!
Phát hiện và cảnh báo
- SPRN là tổ hợp chiến lược gồm các phương tiện kỹ thuật đặc biệt để phát hiện việc phóng tên lửa đạn đạo, tính toán quỹ đạo của chúng và truyền thông tin đến sở chỉ huy để sở chỉ huy trên cơ sở những thông tin đó xác nhận là đã có một cuộc tấn công có sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào quốc gia (Nga) và đưa ra quyết định về những hành động đáp trả (trả đũa).
- Các hành động trả đũa được hiểu là cả việc phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ của kẻ xâm lược, và cả việc chuyển toàn bộ các phương tiện của hệ thống phòng thủ chống tên lửa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
"Kết quả của cuộc điều tra sự cố cho thấy rằng vệ tinh đã “xác định nhầm” các tia sáng mặt trời phản xạ từ các đám mây trên cao là các ngọn lửa từ ống phụt của động cơ phản lực."
- Về mặt cơ cấu tổ chức, SPRN có hai thành tố- thành tố mặt đất và thành tố vũ trụ, hai thành tố này kết nối các sở chỉ huy và các kênh truyền dữ liệu được bảo vệ và thay thế cho nhau vào một thể thống nhất.
- Thành tố mặt đất - là một mạng lưới các trạm radar cố định công suất lớn, cả radar trên đường chân trời và ngoài đường chân trời, với cự ly phát hiện mục tiêu lên đến sáu nghìn km. Chúng giám sát không gian vũ trụ và không gian gần Trái Đất để phát hiện, nhận dạng và bám các vật thể có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh của đất nước (Nga).
- Thành tố vũ trụ - đó là một mạng những thiết bị vũ trụ được thiết kế để phát hiện các vụ phóng tên lửa qua vòi lửa phụt từ các động cơ đang hoạt động.
Nếu một cụm vũ trụ có đủ cơ số chuẩn, nó phải theo dõi được toàn bộ lãnh thổ của Quả Địa Cầu- cả đất liền và cả mặt nước của các đại dương.
Xergey Boev (tổng công trinh sư dự án hiện đại hóa SPRN như đã nói ở trên-ND) tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng một cụm vũ trụ đủ cơ số gồm 10 vệ tinh sẽ sẵn sàng đưa vào hoạt động vào năm 2024.
Tuy nhiên, nếu tính đến khoảng thời gian mà 4 vệ tinh “Tundra” hiện đang hoạt động cần để được phóng lên quỹ đạo, thì trong 3 năm còn lại từ nay đến năm 2024,“Roskosmos” (Cơ quan vũ trụ Nga) không thể nào thực hiện được chương trình trên.
Lịch sử của vấn đề
Từ khi ICBM xuất hiện, cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát hiện sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Các học thuyết về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm đòn tấn công tên lửa của Liên Xô bắt đầu được soạn thảo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương gần như cùng lúc - vào đầu những năm 60. Và đến cuối thập kỷ 60, những radar đầu tiên đã được chế tạo; vào cuối những năm 70, hệ thống radar này đã có một diện mạo hoàn chỉnh.
Tuy vậy, Mỹ ở vào thế có lợi hơn. Ở Liên Xô, các radar được đặt dọc theo đường biên giới đất nước và ở hướng Tây chỉ có thể kiểm soát được phần lãnh thổ của Châu Âu, một phần vùng nước Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Có nghĩa là, nếu Mỹ phóng ICBM từ căn cứ Vandenberg ở California thì Liên Xô không thể phát hiện được khi chúng được phóng lên. Trên các màn hình đài ra đa, tên lửa xuất hiện khi đã tiếp cận ăng ten thu của đài rađa ở khoảng cách từ 5.000 đến 6.000 km.
Còn người Mỹ đã bố trí một phần đáng kể các đài radar của mình ở Tây Âu tại các căn cứ của NATO và vì vậy, có thể quan sát một phần khá lớn lãnh thổ Liên Xô.
Đấy là "kỷ nguyên của các kim tự tháp Ai Cập", khi mà các trạm radar khổng lồ được xây dựng trong khoảng từ 5 đến 6 năm, và sau đó cần thêm từ 2 hoặc 3 năm nữa để lắp đặt các trang thiết bị vô tuyến và hiệu chỉnh hệ thống.
Lấy ví dụ, để xây dựng trạm radar “Don-2N” ở Sofrina ngoại ô Matxcova, đã mất tới 11 năm, sử dụng 30.000 tấn kim loại, 50.000 tấn bê tông, 20.000 km cáp điện, lắp đặt hơn 100 km đường ống dẫn nước làm mát.
Về mặt hình học, trạm radar là một kim tự tháp cụt với chiều dài cạnh đáy là 144 và chiều cao là 35 mét. Công suất xung bức xạ của ăng-ten đạt 250 megawatt.
Thế hệ radar đầu tiên là các trạm radar dòng Dnhestr / Dnhepr, được thiết kế tại Viện Kỹ thuật Vô tuyến mang tên Viện sĩ Mints (RTI). Đã có 15 trạm như vậy được xây dựng. Chúng sử dụng ăng-ten mảng pha chủ động. Cự ly hoạt động của các trạm hiện đại nhất dòng này được lên tới 4.000 km.
Vào những năm 1980, Liên Xô bắt đầu triển khai dự án chế tạo radar “Daryal” thế hệ tiếp theo- những radar này có khả năng phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ hiệu dụng (RCS) 0,1 m2 (cỡ quả bóng đá) ở cự ly khoảng 6.000 km.
Trạm radar đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 1984 tại Cộng hòa Komi (phía Tây Bắc Liên Xô-ND) , trạm thứ hai vào năm sau (1885) tại Azerbaijan (phía Tây Nam Liên Xô-ND)
Tuy nhiên, do Gorbachev khởi xướng “công cuộc cải tổ” việc xây dựng các trạm radar này đã bị dừng lại.
Và sau không lâu, do sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, (Nga) buộc phải bỏ lại những trạm radar nằm bên ngoài đường biên giới Nga. Chỉ còn duy nhất trạm “Volga” bố trí tại Belarus là còn hoạt động.
Nhưng, nói cho thật đúng, thì vào thời điểm đó cũng không mấy ai cảm thấy quá buồn vì sự mất mát các trạm radar này, bởi vì từ nay trở đi, "một nền hòa bình (Nga) với Mỹ” sẽ ngự trị vĩnh viễn.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)