Giai đoạn 2021 - 2030: Thành lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết:

Kế hoạch đề ra mục tiêu hàng năm giảm từ 5 đến 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, hình thành văn hóa giao thông an toàn; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT.

- Xin ông cho biết cụ thể mục tiêu từng giai đoạn?

- Đối với giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đặt ra là phải kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý ATGT từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, phải thành lập được trung tâm điều hành giao thông thông minh thu thập, xử lý chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian, có kết nối đồng bộ với các ngành, địa phương. 5 trụ cột về ATGT đường bộ: Quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau TNGT phải được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, theo yêu cầu của Chính phủ điện tử. Đối với kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, cần xóa bỏ điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, bảo đảm 100% tuyến đường xây mới, nâng cấp và cải tạo được thẩm định ATGT. Toàn bộ các tuyến quốc lộ được lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông. Trên địa bàn TP. Nha Trang, các tuyến đường chính khi xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được xem xét xây dựng làn dành riêng cho mô tô, xe gắn máy, xe đạp, hệ thống tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi. Đồng thời, không để xảy ra ùn tắc trên các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông chính; loại bỏ toàn bộ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh.

Về tầm nhìn đến năm 2045, hàng năm kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí, hướng tới sẽ không có người chết vì TNGT đường bộ. Hệ thống quản lý nhà nước về ATGT được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững. Vận tải hành khách công cộng phát triển với hạ tầng kết nối và chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao…

- Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có giải pháp gì, thưa ông?

- Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra 8 giải pháp cụ thể. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tập trung vào công tác quản lý nhà nước về ATGT; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, an toàn; phương tiện vận tải phải thân thiện môi trường, loại bỏ xe hết niên hạn, tăng cường kiểm tra xe quá khổ, quá tải. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, giáo dục ATGT thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, đặc biệt hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự ATGT; thành lập mới các trạm cấp cứu y tế hoặc nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, bảo đảm khả năng cấp cứu TNGT; phát triển nguồn nhân lực tham gia bảo đảm trật tự ATGT; huy động tối đa mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa trong công tác bảo đảm trật tự ATGT…

- Xin cảm ơn ông!

MẠNH HÙNG (Thực hiện)