Giới khoa học đánh giá về nguy cơ virus lọt ra từ các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới

Trong khi chưa có bằng chứng cụ thể nào về sự liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc thì một số nhà khoa học muốn thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn với những cơ sở như vậy do lo ngại việc virus vô tình lọt ra ngoài có thể gây nên đại dịch tiếp theo cho nhân loại.

Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

59 cơ sở thí nghiệm sinh học hàng đầu thế giới

Viện Virus học Vũ Hán thuộc loại được đảm bảo an toàn nhất, thường được gọi là cấp 4 về an toàn sinh học, hay BSL4. Những cơ sở thí nghiệm như vậy được xây dựng để hoạt động một cách an toàn và an ninh trước những loại virus và vi khuẩn nguy hiểm nhất thế giới, có thể gây ra những bệnh dịch nghiêm trọng chưa có phương pháp điều trị hoặc vaccine.

"Có những hệ thống lọc điều hòa không khí khiến virus không thể thoát ra ngoài qua đường khí thải, nước thải, vốn được các cơ sở này xử lý bằng các chất hóa học hoặc nhiệt độ cao để đảm bảo không thứ gì còn tồn tại", Gregory Koblentz, giám đốc Chương trình An toàn Sinh học tại Đại học George Mason nhận định với AFP.

Ngoài ra, bản thân các nhà nghiên cứu cũng được đào tạo một cách chuyên nghiệp và mặc đồ bảo hộ khi tiến hành thí nghiệm.

Trên thế giới hiện có khoảng 59 trung tâm thí nghiệm sinh học như vậy, một báo cáo do ông Koblentz đồng chủ nhiệm công bố vào tuần này cho hay.

"Không có tiêu chuẩn quốc tế bắt buộc nào về các tiêu chuẩn an toàn, an ninh và trách nhiệm với các loại dịch bệnh", báo cáo trên đánh giá.

Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Các tai nạn đôi khi có thể xảy ra ở cả những cơ sở hàng đầu thế giới và thậm chí càng dễ xảy ra hơn ở hàng nghìn phòng thí nghiệm cấp thấp hơn.

Virus H1N1 - cùng loại với chủng virus gây ra đại dịch năm 1918 đã bị lọt ra ngoài năm 1977 ở Liên Xô và Trung Quốc, sau đó lan rộng ra khắp thế giới.

Năm 2001, một nhân viên có vấn đề về tâm thầm ở một phòng thí nghiệm của Mỹ đã gửi những bưu kiện bào tử bệnh than khắp nước Mỹ, khiến 5 người thiệt mạng.

2 nhà nghiên cứu Trung Quốc bị phơi nhiễm trước virus SARS năm 2004 và lây lan dịch bệnh này cho người khác, khiến 1 người thiệt mạng.

Lynn Klotz, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa với cộng đồng từ những cơ sở thí nghiệm như trên.

"Những sai lầm do con người chiếm hơn 70% những sai sót trong các phòng thí nghiệm", nhà nghiên cứu này nhận định.

Cuộc tranh cãi mang tên "tăng cường chức năng nghiên cứu"

Hiện có những cuộc tranh cãi trong chính phủ Mỹ, vốn cũng tài trợ cho chương trình nghiên cứu virus corona ở Vũ Hán, và một số nhà khoa học độc lập về việc liệu các hoạt động tăng cường chức năng nghiên cứu (gain of function - GOF) có nên được tiến hành không.

Các nghiên cứu GOF tập trung vào việc điều chỉnh các tác nhân gây bệnh để khiến chúng dễ lây nhiễm hơn, nguy hiểm hơn hoặc có thể thoát khỏi các phương pháp điều trị và vaccine dễ dàng hơn - tất cả đều nhằm học cách đối phó với chúng hiệu quả hơn.

Lĩnh vực này đã diễn ra trong một thời gian dài. Các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi khi vào năm 2011, 2 nhóm nghiên cứu cho thấy họ có thể tạo ra virus cúm gia cầm dễ lây nhiễm hơn ở động vật.

Nhà dịch tễ học Harvard Marc Lipsitch nhận định với AFP rằng ông lo ngại điều đó "sẽ tạo ra một chủng virus mà nếu nó lây nhiễm sang các nhân viên phòng thí nghiệm, nó không chỉ khiến người đó thiệt mạng mà còn gây nên một đại dịch".

"Nghiên cứu này không được yêu cầu và không đóng góp gì vào sự phát triển của các loại thuốc hay các loại vaccine", nhà sinh học phân tử Richard Ebright thuộc Đại học Rutgers, một trong những người phản đối mạnh mẽ kiểu nghiên cứu này cho hay.

Năm 2014, chính phủ Mỹ thông báo dừng tài trợ cho những nghiên cứu như vậy nhưng quy trình này bị chỉ trích vì thiếu tính minh bạch và sự tin cậy.

Cuối năm ngoái, một tổ chức phi lợi nhuận đã nhận được tài trợ từ Mỹ cho nghiên cứu "dự đoán nguy cơ virus lọt ra từ phòng thí nghiệm" từ virus corona trên dơi sang người ở Vũ Hán.

Tuần này, trước câu hỏi từ Quốc hội, các chuyên gia Francis Collins và Anthony Fauci thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng đã phủ nhận việc tiến hành các hoạt động tăng cường chức năng nghiên cứu./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNA