Giúp học sinh sớm trở lại trường học

Một giờ học của học sinh tại thủ đô Xan-ti-a-gô (Chi-lê). Ảnh DW.COM

Dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực trong thời gian dài tại các quốc gia thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê là khu vực mà các em học sinh phải chịu thiệt thòi nhiều nhất trên thế giới trong đại dịch.

Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, một trong những phương án đối phó đầu tiên được chính phủ các quốc gia Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê áp dụng là đóng cửa các trường học nhằm tránh lây lan diện rộng. Tuy nhiên, quyết định này lại đưa đến một hệ quả khác không kém phần nghiêm trọng, khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ thất học bởi không thể đến trường, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực chưa đủ điều kiện để triển khai các khóa học từ xa.

Theo đánh giá của Giám đốc khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã buộc các trường học tại Mỹ la-tinh phải đóng cửa trong suốt thời gian dài, khiến khoảng 60% trẻ em ở độ tuổi đến trường phải bỏ lỡ cả năm học. Ðáng ngại hơn, khoảng 70% số quốc gia trên thế giới đang phải đóng cửa các trường học đều nằm ở khu vực này. Trong năm qua, tổng thời gian trung bình mà các trường học tại Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê phải đóng cửa lên tới 158 ngày, cao hơn nhiều con số trung bình toàn thế giới là 95 ngày.

Ðại dịch làm bộc lộ những yếu kém về cơ sở hạ tầng giáo dục của các quốc gia trong khu vực. UNICEF chỉ rõ, tình trạng bất bình đẳng tại Mỹ la-tinh là một trong những nguyên nhân khiến việc tiếp cận giáo dục từ xa càng trở nên khó khăn, nhiều trường học không đủ điều kiện để đáp ứng các quy trình vệ sinh y tế. Giới chuyên gia giáo dục của UNICEF cho rằng, nguyên nhân các trường học tại Mỹ la-tinh phải đóng cửa trong thời gian dài là do chính phủ các nước không ưu tiên khôi phục "trạng thái bình thường" với các cơ sở giáo dục. Nhiều quốc gia cho phép mở cửa trở lại rạp chiếu phim, nhà hàng hay trung tâm thương mại, nhưng vẫn đóng cửa các trường học.

Trong thời gian trường học phải đóng cửa, UNICEF ghi nhận 95% số quốc gia trong khu vực thông báo đã sử dụng nền tảng trực tuyến để hỗ trợ giáo dục; trong đó, 77% triển khai qua sóng truyền hình, 64% qua kênh phát thanh và 55% áp dụng gửi tài liệu học qua tin nhắn hoặc nền tảng di động. Dù vậy, hiệu quả của những hình thức này chưa như mong muốn, không thể thay thế giáo dục trực tiếp. UNICEF cảnh báo, việc đóng cửa quy mô lớn các trường học ở Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có thể tác động nghiêm trọng đến khoảng 150 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường, trong đó khoảng ba triệu trẻ em sẽ không thể trở lại các lớp học chính thức, nhất là trẻ em bản địa di cư và ở vùng nông thôn.

UNICEF khuyến cáo chính phủ các quốc gia trong khu vực triển khai các biện pháp khẩn cấp giúp trẻ em sớm quay lại trường học. Cơ quan này dẫn chứng nghiên cứu cho thấy, trường học không phải địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh và cần sớm được mở cửa trở lại, không chỉ để phục vụ việc học tập, mà còn là môi trường quan trọng nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Bên cạnh đó, UNICEF cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ và phát triển nhiều chương trình truyền hình, phát thanh giáo dục phục vụ học sinh.

Hành trình loại bỏ hoàn toàn dịch Covid-19 còn ở phía trước, vì vậy thế giới phải làm quen và thích nghi với "trạng thái bình thường mới". Việc tiêm chủng vắc-xin và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê đóng vai trò quan trọng để khôi phục nền giáo dục của khu vực, cùng sự chung tay, giúp sức của chính phủ và các tổ chức toàn cầu.

HUY VŨ