Giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống

Tăng cường hoạt động của các mô hình truyền thông

Phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn vừa được tổ chức tại xã Tân Sơn thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham gia. Phiên chợ năm nay có sự tham gia của 15 xã thuộc Dự án 8. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã bố trí nhiều pano, bảng hiệu tuyên truyền về bình đẳng giới, về trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, trách nhiệm công dân trong xã hội.

Thành viên tổ truyền thông cộng đồng tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) trao đổi thông tin về bình đẳng giới.

Anh Hoàng Văn Sơn ở thôn Khuôn Kén (xã Tân Sơn) nói: “Khi đến với các gian hàng, tôi thấy nhiều thông điệp tuyên truyền ý nghĩa về gia đình, bình đẳng giới. Quan tâm tìm hiểu, tôi có thêm kiến thức để xây dựng tổ ấm hạnh phúc”. Bên cạnh lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động, sự kiện có sự tham gia của phụ nữ tại địa phương, Hội LHPN huyện còn chú trọng củng cố các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nâng cao năng lực vận hành, kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

Năm 2023, các cấp hội tổ chức 220 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, đối thoại; thành lập 287 tổ truyền thông cộng đồng, 34 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và 285 nhóm truyền thông Zalo, Facebook. Phụ nữ ở 49 xã thuộc dự án đã đồng loạt ra quân chiến dịch truyền thông với hơn 14 nghìn người tham dự.

Tại huyện Yên Thế, một trong những cách làm đem lại hiệu quả tuyên truyền của Hội LHPN huyện là tổ chức giao lưu giữa các tổ truyền thông cộng đồng. Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội trong huyện đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn, giao lưu, chương trình đối thoại giữa 7 xã thuộc địa bàn triển khai dự án. Trước các cuộc giao lưu, đối thoại, hội viên được thông báo để chuẩn bị ý kiến bảo đảm chất lượng, đúng trọng tâm.

Qua những lần gặp gỡ, trao đổi, thành viên các tổ có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức, duy trì, nâng cao chất lượng mô hình, lan tỏa những điều tốt đẹp. Sau mỗi hoạt động, Hội LHPN huyện rút kinh nghiệm để chỉ đạo các xã tổ chức tốt hơn.

Giai đoạn 1, Dự án 8 tập trung vào công tác tuyên truyền với việc thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em. Năm 2023, các cấp hội tổ chức 220 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, đối thoại; thành lập 287 tổ truyền thông cộng đồng, 34 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và 285 nhóm truyền thông Zalo, Facebook. Phụ nữ ở 49 xã thuộc dự án đã đồng loạt ra quân chiến dịch truyền thông với hơn 14 nghìn người tham dự.

Hỗ trợ nâng cao đời sống, nhận thức pháp luật cho hội viên

Là địa bàn vùng cao, có đông đồng bào DTTS sinh sống, Hội LHPN các xã, thị trấn huyện Sơn Động phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trước thực trạng nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa còn giữ quan niệm lạc hậu như: Trọng nam, khinh nữ, sinh con trai để nối dõi hay phụ nữ không cần học nhiều, chỉ ở nhà sinh con và làm nội trợ, Hội LHPN huyện tập trung các giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tư vấn pháp luật, nâng cao nhận thức cho phụ nữ DTTS từ đó giúp các chị tự tin, tự chủ hơn đối với cuộc sống của mình.

Điển hình như hội viên Chu Thị Vui, dân tộc Nùng ở thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn (Sơn Động). Trước đây, chị Vui chủ yếu ở nhà làm nội trợ; kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng, nhiều năm liền, gia đình chị thuộc diện khó khăn. Nhờ sự quan tâm, động viên của Hội LHPN xã, chị Vui tham gia lớp tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn chia sẻ ý tưởng kinh doanh, thuyết phục được chồng hỗ trợ thực hiện.

Dưới sự bảo lãnh của Hội LHPN xã, vợ chồng chị Vui đã vay 100 triệu đồng đầu tư trồng nấm lim xanh dưới tán rừng tự nhiên. Nhờ chăm chỉ, tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật, đến nay, gia đình chị đã có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ trồng nấm lim xanh; tạo việc làm cho 2 hội viên phụ nữ khác trong thôn. Chị tự tin hơn, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm lim xanh với nhiều hội viên khó khăn khác.

Để nắm bắt tình hình, các vấn đề bức thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện Lục Nam xây dựng hòm thư góp ý tại nhà văn hóa của các thôn; kịp thời phát hiện, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ ban đầu. Hội LHPN các xã phối hợp với tổ chức đoàn thể cơ sở vận động các cặp vợ chồng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi hỏi đáp về bình đẳng giới để trang bị kiến thức cho hội viên.

Với các mục tiêu của dự án, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện phối hợp với phòng dân tộc cùng cấp tham mưu lồng ghép nội dung thực hiện vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi năm 2024 của từng địa phương. Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, hình thành kỹ năng tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội cho thành viên các mô hình, cán bộ cơ sở .

Bài, ảnh: Ngọc Anh