Giúp trẻ có môi trường học tập và vui chơi an toàn, lành mạnh

Học sinh tham gia lớp học bơi tại bể bơi Nhà Thiếu nhi thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.T

Hiện toàn tỉnh có hơn 182.390 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 29% dân số), trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt gần 20.000 trẻ. Với đặc điểm là một địa phương có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt, mặc dù các cấp, ngành, trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức cho cộng đồng về phòng, chống nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng, nhưng tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh.

Từ năm 2016 - 2023, trên địa bàn Quảng Trị đã xảy nhiều vụ đuối nước gây tử vong 114 trẻ em, trung bình một năm toàn tỉnh có trên dưới 20 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa được học bơi, chưa chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đồng thời cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn lơ là, tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng và sự quan tâm giám sát để trẻ tự do tiếp xúc với các vật nhọn, đồ điện, phích nước, động vật hoặc để trẻ đến sông, suối, ao hồ đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn dễ dẫn đến bị thương tích, điện giật, bỏng, đuối nước...

Xác định công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự chung tay của cả cộng đồng, bên cạnh chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều chương trình can thiệp về phòng, chống tai nạn đuối nước tại cộng đồng.

Hằng năm, trước kỳ nghỉ hè, Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu lãnh đạo đơn vị tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các địa phương có nguy cơ tai nạn thương tích cao; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, đặc biệt tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em tại các cấp, ngành.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em, tổ chức tuyên truyền về kiến thức phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phát tờ rơi, áp phích, treo băng rôn, khẩu hiệu về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đuối nước...

Bằng nhiều biện pháp cùng với sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2023, số lượng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đuối nước giảm đáng kể, toàn tỉnh có 17 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích.

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thế Hậu cho biết: “Thời gian tới, phòng tập trung tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo, triển khai tích cực các giải pháp như: phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở nhà trường, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ quan tâm, giám sát trẻ em, giáo dục trẻ về những nguy cơ thường gặp ở lứa tuổi của trẻ.

Phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh. Thường xuyên chỉ đạo các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.

Tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông suối, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như: cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em. Vận động nguồn kinh phí xây dựng các sân chơi, điểm sinh hoạt hè an toàn cho trẻ thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Ngọc Trang