Thông tin về thương đã được Cơ quan phát triển phòng thủ quốc tế trực thuộc Lầu Năm Góc xác nhận và cho biết, việc bán tên lửa chống tăng Javelin cho Gruzia không mâu thuẫn với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của nước này.
"Các hệ thống Javelin sẽ giúp Gruzia xây dựng sức mạnh phòng thủ lâu dài để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... và nâng cao khả năng ứng phó của Gruzia trước các mối đe dọa hiện tại và tương lai, gia tăng tiềm lực chống tăng", cơ quan nói trên nhận định.
Tên lửa chống tăng Javelin.
Nguồn tin cho biết thêm, đây là hợp đồng Javelin thứ 2 Mỹ ký kết với Gruzia. Thương vụ trước đó được thực hiện hồi năm 2017 với tổng trị giá gần 100 triệu USD.
Những hệ thống Javelin sẽ nâng cao rất nhiều khả năng tấn công của các đơn vị tăng thiết giáp của Gruzia. Điều đặc biệt là cùng với số tên lửa có trong những hợp đồng trên, nếu Gruzia cần, Mỹ có thể cung cấp với số lượng nhiều hơn nữa.
Việc Mỹ bán tên lửa chống tăng hiện đại cho Gruzia đang tạo nên thế trận Javelin vây chặt Moscow từ Nam cho đến Tây nước Nga.
Bởi trước đó, Estonia và Mỹ đã hoàn thành hợp đồng Javelin với tổng số 128 tên lửa cùng nhiều hệ thống phóng đi kèm. Số tên lửa là sự tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên trong khối NATO mà Estonia là thành viên từ năm 2004.
Cùng với những khách hàng kể trên, Ukraine cũng đã nhận được lô tên lửa Javelin từ Mỹ. Với cách bán và triển khai Javelin của mình, Mỹ có thể khiến Nga lo lắng bởi trước đó, Javelin đã có mặt tại Na Uy, Lithuania - những quốc gia trên tuyến đầu chống Nga của phương Tây.
Không chỉ bán, Mỹ còn thường xuyên mang tên lửa Javelin đến Baltic tập trận. Theo thống kê của truyền thông Nga, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đã có gần 20 cuộc tập trận có Mỹ và tên lửa chống tăng Javelin tham gia.
Giới quân sự Mỹ tin rằng, với lối đánh cực hiểm và sức mạnh của vũ khí này, hầu hết xe tăng Nga đều không thể đỡ nổi khi bị tên lửa Javeli tấn công.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Javelin được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi xe tăng, xe bọc thép và kể cả công sự phòng ngự trên mặt đất của đối phương.
Tên lửa được lắp đầu đạn kiểu 2 đầu nổ chuyên trị giáp phản ứng nổ (ERA) trang bị trên xe tăng hiện đại (nghĩa là, đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối giáp ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính xe tăng để đầu nổ 2 xuyên phá).
Đánh giá về sự nguy hiểm của Javelin khi Mỹ lần lượt bán cho những quốc gia quanh Nga, nhà báo kiêm chuyên gia quốc phòng Nga Alexey Khlopotov cho rằng các loại xe tăng hàng đầu của nước này đang có trong trang bị không có biện pháp bảo vệ đủ mạnh để chặn được đòn từ Javelin.
Theo chuyên gia Nga, loại tên lửa của Mỹ có thể tiêu diệt cả những xe tăng mới nâng cấp của dòng T-72 gồm T-72B3 và T-90S. Vị chuyên gia này chỉ ra rằng cách thức hoạt động của Javelin đem lại cho nó lợi thế rất mạnh.
Cụ thể FGM-148 Javelin có phương pháp tấn công kiểu đột nóc tức là sau khi rời bệ phóng tên lửa sẽ bay lên độ cao 150m so với mục tiêu rồi đánh vào phần nóc xe tăng vốn là nơi có giáp mỏng nhất.
"Những hệ thống phòng vệ của tăng Nga hiện nay chỉ có thể bảo vệ xe từ những đòn tấn công quanh xe mà chưa thể chống đỡ được khi bị tấn công từ trên cao. Hiện chỉ có hệ thống phòng vệ chủ động Afganit có thể làm được điều đó.
Tuy nhiên, Afganit được Nga phát triển để trang bị riêng cho xe tăng T-14 Armata nhưng cỗ tăng này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được đưa vào trang bị", chuyên gia Khlopotov nói.
Thảo Nguyên