Hà Nội đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 6.700 người

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ 16/2 đến nay (38 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám sàng lọc 12.751 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Cùng với đó, 5 đoàn kiểm tra của TP. Hà Nội liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các quận huyện và 3 đoàn của Sở Y tế đã kiểm tra, đánh giá bệnh viện an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh đến khám và điều trị.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay các đơn vị đã tổ chức tiêm được 6.690 mũi cho các cán bộ nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh và các cán bộ làm nhiệm vụ điều tra xử lý ca bệnh....(đạt 94,3% so với đăng ký ban đầu).

Trong tuần này và tuần sau, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vét cho các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của ngành Y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ ở cộng đồng. Đến nay, đã xét nghiệm được 3.931 người, kết quả tất cả đều âm tính; dự kiến việc xét nghiệm sẽ hoàn thành trước ngày 10/4.

Kiên quyết không tiêm các trường hợp không đủ điều kiện

Tại buổi làm việc và qua kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục được nhận vaccine hỗ trợ từ Covax Facility và kế hoạch mua vaccine AstraZeneca đã được Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ lượng vaccine này cho các tỉnh, thành phố trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Hà Nội vẫn nằm trong đối tượng tiếp tục được phân bổ vaccine trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Hà Nội phải rà soát lại tất cả các đối tượng được tiêm để chuẩn bị cho đợt tiêm tiếp theo. Trong quá trình tiêm, các điểm tiêm phải khám sàng lọc triệt để, kiên quyết không tiêm những trường hợp không đủ điều kiện. Đồng thời lưu ý thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, tiếp nhận, bảo quản và phân phối sử dụng vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Thành phố giám sát sự cố sau tiêm. Do là vaccine mới nên trong quá trình tiêm chủng, không thể tránh khỏi có thể xảy ra những tác dụng không muốn. Bộ Y tế khuyến cáo người dân và những đối tượng được chọn tiêm hết sức yên tâm. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cả hệ thống tiêm chủng trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở tiêm chủng; chỉ đạo tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men sẵn sàng xử lý những trường hợp xảy ra tác dụng không mong muốn.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở từ tuyến huyện trở lên thành lập tổ cấp cứu lưu động, thông báo số điện thoại cụ thể đến các điểm tiêm, đặc biệt là điểm tiêm ở cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cần xây dựng chuyên đề phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội là địa bàn đông dân cư, có nguy cơ cao bùng phát dịch. Nhờ triển khai các biện pháp phòng dịch một cách quyết liệt nên dịch COVID-19 trên địa bàn nhanh chóng được khống chế.

Hà Nội luôn xác định công tác phòng dịch COVID- 19 là ưu tiên hàng đầu. Do đó, ngay khi dịch xuất hiện, Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hy vọng, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Hà Nội nhiều hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong việc định hướng phát triển hệ thống y tế Thủ đô về mặt quy hoạch, quy mô và chất lượng; trong chuyển đổi số ngành Y một cách thiết thực và hiệu quả, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thiện Tâm