Hà Nội: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu, trong năm 2021, Hà Nội xác định đây sẽ là một trong những trọng điểm nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm

Niềm vui đối với hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông khi sản phẩm sachi inchi nhân trắng sấy giòn của HTX đã được gắn 4 sao OCOP trên bao bì sản phẩm năm 2020. Tự hào là thương hiệu đạt chuẩn OCOP, Sacha Inchi là một sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bà Đỗ Thị Kim Thông - Giám đốc HTX thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông - chia sẻ, do chương trình lần đầu tiên triển khai do đây là mô hình mới ở Việt Nam, trong quá trình thực hiện đánh giá, HTX cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục giấy tờ do sự hiểu biết của HTX chưa nhiều. Tuy nhiên, sau khi được các đơn vị tư vấn cũng như sự hỗ trợ của xã, huyện, các chủ thể, trong đó có HTX Kim Thông đã hiểu và làm đầy đủ giấy tờ.

Lãnh đạo TP. Hà Nội tham quan gian hàng trong khu trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP

Đánh giá về chương trình, bà Đỗ Thị Kim Thông khẳng định, rất phù hợp với đặc sản vùng miền bởi mỗi quê hương có 1 bản sắc riêng. Cũng theo bà Thông, trước đây sản phẩm của HTX bà chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến thì sau khi được “gắn sao” và được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong công tác truyền thông, đến nay, sản phẩm đã được nhiều người biết đến tin cậy và sử dụng. “Sản phẩm mới đưa ra thị trường, cơ quan chức năng hỗ trợ HTX giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ… Qua đó, đã có nhiều cửa hàng bán lẻ và cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị đến đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, đầu năm 2021 chúng tôi sẽ tiếp cận, và đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị lớn của Việt Nam”, bà Thông cho hay.

Là một trong những điểm sáng trong việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng kinh tế huyện Đông Anh - chia sẻ, trong thời gian 2019-2020, huyện Đông Anh đánh giá phân hạng cho 100 sản phẩm, nâng cấp cho 6 sản phẩm. Tiếp cận chương trình trong thời gian rất ngắn, để có được con số trên, Đông Anh đã triển khai nhiều công việc với cách làm bài bản, khoa học, với phương châm làm đến đâu, chắc đến đó để giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đảm bảo chất lượng theo đúng mục tiêu của chương trình.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiềng, chương trình OCOP nói chung và công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP nói riêng là chương trình thiết thực, hiệu quả và rất có ý nghĩa. Thông qua chương trình đã góp phần thúc đẩy động viên khích lệ các chủ thể OCOP trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó các chủ thể tập trung xây dựng được các sản phẩm OCOP chất lượng, đảm bảo an toàn, tiếp tục khẳng định thương hiệu của các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, qua chương trình, các chủ thể đã có các tư duy sáng tạo để tạo ra các sản phẩm OCOP mới, phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn của thị trường và những sản phẩm này sẽ có giá trị gia tăng rất lớn so với các sản phẩm hiện có của các chủ thể. Sự sáng tạo đó được khích lệ thông qua chương trình OCOP này.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2019, toàn thành phố đã có 305 sản phẩm được gắn sao OCOP. Ngày 27/1/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 560/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp TP. Hà Nội năm 2020 (đợt 2). Theo đó, phân hạng đối với 424 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 96 chủ thể OCOP tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Nội năm 2020 (đợt 2). Trong đó, có 3 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Có 310 sản phẩm đạt 4 sao; 111 sản phẩm đạt 3 sao. Kết quả phân hạng có giá trị trong vòng 36 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định này. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của nhân dân, đến nay chương trình có tác động rất tốt, giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cũng như tiểu thủ nông nghiệp thành phố. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, chấm điểm đã được tuyên truyền quảng bá giới thiệu đến tay người tiêu dùng Thủ đô và người tiêu dùng rất yên tâm tin tưởng sử dụng các sản phẩm OCOP, việc này có tác động rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất của chủ thể.

Dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, HTX muốn sản phẩm OCOP phát triển mạnh hơn và đi đến tận tay người tiêu dùng kể cả trong và ngoài nước, thì hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cần phải được triển khai mạnh hơn, sâu rộng hơn ở nhiều địa điểm, tỉnh thành chứ không chỉ dừng ở các hội nghị lớn. Theo đó, các chương trình quảng bá sản phẩm có thể triển khai ở hội nghị nhỏ, chuyên biệt và riêng cho các sản phẩm OCOP cho các tỉnh, thành nhằm tạo dấu ấn riêng cho người tiêu dùng.

“Hội chợ xúc tiến thương mại chúng tôi thấy cũng rất nhiều rồi, tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có thêm các hội chợ quy mô nhỏ hơn, giới thiệu sản phẩm của một huyện, hay một địa phương. Bởi lẽ, càng nhỏ thì sản phẩm của các đơn vị sẽ được tập trung tiếp cận thị trường sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn”, bà Thông cho biết. Bên cạnh đó, các chủ thể mong muốn có thêm cơ chế chính sách tạo nguồn cho các đơn vị tham gia OCOP có thêm động lực phát triển.

Để nâng cao hiệu quả đối với các sản phẩm OCOP sau khi được “gắn sao”, về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thiềng cho rằng, các cấp các ngành từ Trung ương, thành phố đến các quận huyện cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo việc duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Về cơ chế chính sách, Trung ương cũng cần sớm có các hướng dẫn cụ thể chi tiết, đặc biệt là các vấn đề lớn trong việc hỗ trợ các sản phẩm. Ví dụ như tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí tiêu chuẩn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên cũng như để sản phẩm OCOP đi xa, các chuyên gia cho rằng, sau khi chấm điểm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, tiềm năng 5 sao, thì thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững... Thậm chí tổ chức các lớp tập huấn để người nông dân và các chủ thể sản phẩm có kỹ năng thuyết trình về sản phẩm của mình.

Xác định, Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chủ lực của nhân dân trong xây dựng dựng nông thôn mới bền vững, xúc tiến thương mại là then chốt. Trước các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp, HTX, địa phương, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, trong năm 2021, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố để có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể trong xây dựng thương hiệu hàng hóa, phân hạng chấm điểm.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng chu trình OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông; quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông - lâm nghiệp và góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn từ 2021- 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất khoảng 400 sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm chủ lực của các địa phương, sản phẩm có sự tham gia của đông đảo cộng đồng, trên sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.

Nguyễn Hạnh