Hai mô hình đưa pháp luật vào cuộc sống

Với mô hình “kéo”, người dân phải tự tìm hiểu pháp luật và bằng trải nghiệm của mình trong cuộc sống mà hiểu biết pháp luật. Nhà nước đóng vai trò thứ yếu, hỗ trợ một phần nhỏ cho công dân dưới hình thức tư vấn pháp luật miễn phí hay trợ giúp pháp lý cho người thu nhập thấp và nhóm yếu thế trong xã hội; đa số người dân khi có việc liên quan đến pháp luật, tư pháp đều tìm đến luật sư.

Ngược lại với mô hình “đẩy”, hoạt động PBGDPL do Nhà nước tổ chức thực hiện là chủ yếu, với một lực lượng khá đông đảo các cơ quan, tổ chức và công chức chuyên trách làm công tác này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích người dân tự tìm hiểu pháp luật.

Với hai mô hình đưa pháp luật đến với người dân như đã nêu, phương pháp và cách thức đánh giá hiệu quả PBGDPL cũng có những khác biệt.

Ở nước ta đang áp dụng mô hình "đẩy" trong tuyên truyền PBGDPL

Hiện nay, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong xã hội. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật không cho phép một xã hội văn minh mà người dân ở đó lại có thái độ bất tuân pháp luật. Vì vậy, để theo kịp những biến đổi của tình hình và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, cần có những giải pháp căn cơ hơn, không chỉ trong tổ chức thực hiện pháp luật, mà còn phải đánh giá được thực chất hiệu quả của PBGDPL để có hướng điều chỉnh hoạt động này cho phù hợp. Đây là bài toán có độ khó cao, tìm được lời giải sẽ tốn nhiều công sức và thời gian không kém gì công tác PBGDPL.

Để đánh giá được hiệu quả PBGDPL, cần nhận diện một số đặc điểm của hoạt động này, đó là:PBGDPL tác động đến lĩnh vực tinh thần của con người biểu hiện một cách trực tiếp, từ đó tác động gián tiếp đến kinh tế - văn hóa, xã hội.

Kết quả PBGDPL biểu hiện ở cả ý thức và hành vi của con người, trước hết cần đánh giá sự hiểu biết pháp luật (nhận thức pháp luật), sau đó là hành vi của con người trong thực tiễn (hành vi pháp luật). Và kết quả PBGDPL không đến ngay một lúc mà đến dần dần, trong một thời gian tương đối dài, để đánh giá được cần có thời gian. Chỉ số định lượng đóng vai trò là điều kiện cần; chỉ số định tính đóng vai trò là điều kiện đủ khi đánh giá hiệu quả PBGDPL.

Để đánh giá chính xác hiệu quả PBGDPL, trước hết cần sử dụng phương pháp xã hội học với các phương pháp chủ yếu như quan sát, phỏng vấn, ankét, thực nghiệm. Bằng phương pháp xã hội học, có thể xác lập mối liên hệ giữa việc tăng cường PBGDPL với tình hình chấp hành pháp luật, củng cố kỷ cương và trật tự pháp luật.

Bên cạnh đó, cần sử dụng phương pháp toán học để phân tích hiệu quả PBGDPL thông qua các dữ liệu tập hợp từ nhiều kênh, kết hợp với việc so sánh các dữ liệu của cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL và dữ liệu khác. Ngoài ra cần sử dụng các phương pháp đánh giá mang tính truyền thống như: phương pháp phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, so sánh.

Theo các nhà nghiên cứu về lĩnh vực tuyên truyền pháp luật thì việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL không phải mục đích tự thân mà là phương pháp để làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, những hạn chế của hoạt động PBGDPL, từ đó có những điều chỉnh để hướng tới hiệu quả cao hơn trong công tác này.

Nam Du