Hãy tham gia giao thông đúng luật

Cảnh sát giao thông Hà Nội điều tiết tại nút giao trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng

Sự ích kỷ thái quá

Theo thống kê mới nhất của Sở GTVT Hà Nội, toàn TP hiện có 7.671.551 phương tiện đăng ký lưu hành gồm 1.034.510 ô tô; 6.458.009 mô tô; 179.032 xe máy điện. Ý thức của người khi tham gia giao thông đang tỷ lệ nghịch với lượng phương tiện, xe càng đông sự ích kỷ càng thái quá.

Có rất nhiều nghiên cứu, phân tích lý do khiến UTGT ngày càng diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Trong đó đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất là tình trạng vi phạm luật giao thông của người lái xe ô tô, xe máy, xe đạp, cho đến người đi bộ.

Rất nhiều người cho rằng mình chỉ là một nhân tố rất nhỏ, những ảnh hưởng từ vi phạm của mình là chuyện thường tình và không mang tính quyết định. Nhưng họ đã nhầm, họ không chỉ là tác nhân trực tiếp gây UTGT mà còn lan tỏa sự ích kỷ, vô ý thức đến toàn thể cộng đồng xã hội.

Trên mọi tuyến đường lớn nhỏ, từ ngõ phố đến cao tốc, tình trạng mạnh ai nấy đi, bất chấp luật lệ, gây rối loạn giao thông diễn ra nhiều đến mức đã trở thành chuyện thường tình, tất yếu. Biết bao người đang đổ lỗi cho hạ tầng giao thông yếu kém, tổ chức giao thông bất hợp lý nhưng chính họ lại né tránh hoặc không bao giờ nhìn thẳng vào cách lưu thông của mình.

Ví dụ như tuyến đường Nguyễn Trãi, dù có nút giao 4 tầng, có đường sắt đô thị, xe buýt…, mới đây lại được phân làn cứng chia tách xe ô tô và xe buýt, xe máy. Vậy tại sao nó vẫn ùn tắc? Trên mạng xã hội có rất nhiều “anh hùng bàn phím” đưa ra luận điểm rằng tổ chức giao thông bất hợp lý, hạ tầng bất cập… Nhưng thực tế mắt thấy tai nghe là hàng nghìn chiếc xe máy đi lấn làn bất chấp quy định, ô tô dừng đỗ dưới biển cấm gây cản trở giao thông, xe buýt bị chèn ép, sơn kẻ vạch giao thông vô hiệu.

Nên nhớ, phương án phân làn cứng đường Nguyễn Trãi là thí điểm, thử nghiệm. Nếu người dân không đi đúng quy định, cố tình vi phạm luật, chèn ép lẫn nhau thì không bao giờ có thể đánh giá được chính xác phương án có hiệu quả hay không. Cứ vượt đèn đỏ, đi sai làn, chỉ cốt vượt lên trước bất kể người xung quanh thì chẳng phương án nào là phù hợp được.

Có một thực tế đáng buồn là trong khi không tự giác chấp hành luật giao thông, nhiều người đi ô tô lại lên án người đi xe máy và ngược lại. Bộ phận không nhỏ người dân chỉ đổ lỗi cho nhau, quy trách nhiệm cho lực lượng chức năng và ngành GTVT mà không nhìn nhận lại sự ích kỷ đã đến mức thái quá, không thể chấp nhận được của mình.

Sự ích kỷ, ngang ngược đó còn thể hiện đến đỉnh điểm qua hành vi lưu thông bát nháo ngay trước mắt lực lượng chức năng. Từ “nam thanh nữ tú”, trung niên, cha mẹ chở con nhỏ cho đến xe thồ, xe ba gác đều sẵn sàng đi sai luật dù có CSGT trước mắt. Không ít trong số họ mang theo tâm lý: Cả một đám đông không ai dám xử phạt; hoặc chỉ cần né ra xa, bỏ chạy khỏi tầm tay của CSGT là thoát.

Biết bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra chỉ vì vượt đèn đỏ, “chạy công an”, đi ngược chiều. Vậy đó có phải là lỗi của hạ tầng, của tổ chức giao thông, của lực lượng chức năng hay không?

Nhiều xe máy vẫn cố tình di chuyển vào làn ô tô trên đường Nguyễn Trãi

Thực sự bó tay?

Có nhiều ý kiến cho rằng, ý thức tham gia giao thông của hàng triệu người dân sinh sống tại Thủ đô quá kém. Đó mới là thảm họa thực sự nhấn chìm đường phố Hà Nội trong giờ cao điểm, khi mưa to gió lớn, hay lúc nắng nóng đỉnh điểm. Chẳng lẽ mỗi gia đình cùng tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng của TP đã thực sự bó tay với thảm họa này?

Để hạn chế UTGT, trước hết mỗi cá nhân hãy biết tự trọng hơn khi tham gia giao thông. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ tự giác chấp hành luật để làm gương cho con cháu. Con cháu đi đúng luật, an toàn, biết tự trọng khi tham gia giao thông sẽ khiến gia đình tự hào, yên tâm.

Mỗi cơ quan nên coi vi phạm giao thông là một yếu tố để đánh giá đạo đức người lao động. Bởi một người vi phạm giao thông là một tác nhân gây UTGT, ảnh hưởng đến biết bao người khác, cơ quan khác.

Lực lượng chức năng cần phải tìm ra biện pháp với những vấn đề khó khăn trong xử lý vi phạm chứ không chỉ “than thở” và buông xuôi. Đơn cử như quy định gửi thông báo xử phạt giao thông về cơ quan, nơi ở của người vi phạm là điều có thể làm được.

Đối với người vi phạm giao thông, trước hết cần dừng xe nhắc nhở, lập biên bản, thu giữ giấy tờ xe, bằng lái và yêu cầu báo chính xác địa chỉ cơ quan, nơi ở. Sau đó CSGT phối hợp với Công an sở tại xác minh địa chỉ, nếu đúng mới trao trả giấy tờ, kèm theo thông báo đến tận nơi ở, học tập, làm việc.

Một vấn đề rất quan trọng cần được đặt lên hàng đầu trong xây dựng văn hóa giao thông là ứng xử của lực lượng chức năng. Trước hết các xe biển xanh, biển đỏ phải chấp hành luật giao thông, phải được đối xử công bằng như mọi loại hình khác, sai phải phạt, phạt phải công khai cho người dân biết. Phong trào xây dựng văn hóa giao thông phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả trước hết trong lực lượng công an, quân đội, hệ thống chính trị, lấy đó làm nhân tố chính lan tỏa ý thức ra toàn xã hội.

Tiếp đó người dân vi phạm phải chịu phạt đúng quy định. Lực lượng chức năng không thể vì khó khăn, bối rối mà cho qua. Không thể để tiếp diễn cảnh hàng trăm, nghìn phương tiện đi sai luật ngay trước mặt lực lượng chức năng mỗi ngày.

Mặt khác, các cấp lãnh đạo cần liên tục sâu sát thực tế, tai nghe phải cùng với mắt thấy để đưa ra những quyết định chính xác. Không thể chỉ vì thông tin dư luận thiếu kiểm chứng mà “đẽo cày giữa đường”, liên tục thay đổi quyết sách khiến mạng lưới giao thông càng bất ổn hơn.

Không ngoa khi nói văn hóa giao thông phản ánh văn hóa chung của mỗi người. Nếu không đánh thức lòng tự trọng của người tham gia giao thông bằng mọi cách, UTGT, vi phạm luật lệ sẽ không bao giờ chấm dứt. Cho đến khi nào vi phạm giao thông là điều xấu hổ không dám nói ra trên bàn tiệc, trong những lúc trà dư tửu hậu; không ai cứu giúp, bao che được, ý thức và sự tự trọng của người tham gia giao thông mới thực sự thành hình.

Nếu không xây dựng được văn hóa giao thông, UTGT sẽ còn kéo dài hơn nữa, trầm trọng hơn nữa bất kể Hà Nội có thêm bao nhiêu công trình cầu đường.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung