Hiện trạng cuốn sách cổ nhất Việt Nam, lý do khiến cuốn sách hạn chế trưng bày

Cuốn giáo lý Cathechismus - Phép giảng tám ngày gồm 319 trang đã được ghi nhận là cuốn sách in chữ quốc ngữ cổ nhất Việt Nam. Ảnh: TTH

Alexandre de Rhodes - giáo sĩ truyền giáo kiêm nhà ngôn ngữ học châu Âu sống ở giữa thế kỷ XVII đã quy chuẩn hóa chữ quốc ngữ từ việc phát minh dùng chữ quốc ngữ trong giảng đạo và biên soạn giáo lý.

Cuốn giáo lý Cathechismus, còn gọi là "Phép giảng tám ngày" gồm 319 trang được nhà ngôn ngữ học Alexandre de Rhodes chuyển hóa chữ quốc ngữ ghi chép lại trong tài liệu đầu tiên năm 1645 và ấn bản thành sách năm 1651. Việc chuyển ngữ phiên âm phục vụ cho công việc giảng đạo của nhóm các nhà truyền giáo và giáo dân ưu tú ở vùng Nam Trung Bộ lúc đó.

Như vậy, cho đến nay, đây là cuốn sách cổ nhất in bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam, đã tồn tại 373 năm và được lưu giữ trong nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, ú Yên). Trước đây, cuốn sách được trưng bày để du khách thưởng lãm trong đền thờ Á thánh Anre và khu tưởng niệm giáo sĩ Alexandre de Rhodes của nhà thờ. Tuy nhiên, vì lo sợ cuốn sách bị mục nát và hỏng, hiện nhà thờ chỉ trưng bày cuốn phiên bản và bảo quản ấn bản gốc trong hộp kín, rất ít người được tiếp cận hiện vật này.

Linh mục Phê rô Trương Minh Thái nói về cuốn sách cổ được lưu giữ trong nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: TTH

Khi đưa những trang giấy trong cuốn sách trước nguồn sáng, sẽ nhìn thấy dấu chìm của nhà in Vatican. Ảnh: TTH

Linh mục Phê rô Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng đương nhiệm chấp thuận để tôi tự tay cầm cuốn sách gốc quý giá, soi từng tờ giấy lên nguồn sáng để xem chứng thực bản gốc của cuốn sách. Vì chỉ có cuốn sách gốc mới có dấu in chìm của nhà in Vatican trong từng trang sách.

Khi tôi giơ những trang giấy trước ánh đèn, dấu in chìm trong giấy in của nhà in Vatican vào thời điểm năm 1651 hiện tất rõ. Dấu tích này khẳng định bản in gốc được chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang về Roma in những tài liệu đã biên soạn của mình thành cuốn sách. Ông đã in sách tại nhà in Vatican rồi lại mang sang Việt Nam và sử dụng nó trong các buổi giảng đạo của mình. Vào thời điểm đó, kỹ thuật in chìm trong giấy mà chữ hoặc dấu chìm chỉ hiện lên khi giơ giấy trước nguồn sáng là một trong những kỹ thuật in chỉ có vài nhà in làm được.

Cuốn sách cổ "Phép giảng 8 ngày" in tại Roma hiện cất kỹ trong rương. Cuốn sách bọc ngoài bìa bằng vải, trông cũ kỹ và sờn gáy. Lật ra để đọc trang đầu, những chữ quốc ngữ sơ khai đầy âm ngữ địa phương cho thấy ngay thăng trầm của quá trình lịch sử mà Công giáo du nhập vào nước ta. Một sự bản địa hóa kỳ diệu nhưng dấu ấn của văn minh châu Âu thời đó.

Cuốn sách mang theo tiến trình lịch sử đó nên nổi tiếng khắp châu Âu, châu Mỹ hơn ở trong nước. Đã có nhiều viện nghiên cứu và trường đại học ở nước ngoài muốn mượn cuốn sách để trưng bày, nghiên cứu nhưng việc mang cuốn sách ra khỏi Việt Nam là việc không khả thi.

Linh mục Trương Minh Thái cho hay: "Không ai định giá được cuốn sách này cho nên không mua được bảo hiểm cho nó. Nên nó không thể mang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không có bảo hiểm".

Cũng không ai nghĩ đến việc bảo hiểm cho một vật vô giá nên không thể có bất cứ hợp đồng mượn hoặc chuyển giao quyền sử dụng nào. Hằng năm, vì cẩn trọng, nhà thờ có gửi cuốn sách vào một nơi tin cậy nhằm gia cố thêm một số biện pháp chống xuống cấp, hư hỏng, rồi lại trả về chỗ cũ là nhà thờ. Mọi triển lãm trưng bày ngỏ ý muốn mượn cuốn sách đều bị từ chối vì phương án bảo hiểm và bảo quản cuốn sách không chắn chắn.

Bảo tàng của nhà thờ Mằng Lăng, nơi cất giữ rất nhiều cổ vật mang theo dấu ấn phát triển vùng đất Nam Trung Bộ. Ảnh: TTH

Các cổ vật lưu trữ bởi nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: TTH

Kiến trúc cổ kính của nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: TTH

Trương Thúy Hằng