HÌNH ẢNH KHAI MẠC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 34 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

Dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại các địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình phiên họp, thay mặt Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 34 của Ủy ban Pháp luật

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, khối lượng công việc rất lớn, đề nghị các đại biểu là thành viên Ủy ban Pháp luật phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của Phiên họp

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp, thay mặt Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành sự giám sát của Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung, xây dựng và thực hiện chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm bài học kinh nghiệm về tổ chức thi hành pháp luật, nhất là vai trò của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi pháp luật gắn với nâng cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tập thể, từng cấp, từng cơ quan, người đứng đầu, việc thiết lập và thực thi kỷ luật, kỷ cương trong công tác tổ chức thi hành pháp luật

Cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 34 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật khẳng định, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt và các giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, năm 2020, nước ta trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương, bảo đảm an sinh xã hội

Cũng tại Phiên họp, nhiều đại biểu cũng đề cập tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa khắc phục triệt để, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của Báo cáo, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ làm căn cứ, cơ sở để bố trí bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ tới. Đại biểu cho biết, Điều 2, Luật Tổ chức Chính phủ mới chỉ quy định chung về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ khác nhau nên cần đánh giá cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ 2016 - 2021 để đề xuất xây dựng mô hình tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng đề nghị Chính phủ đánh giá về hiệu quả hoạt động sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính tại các địa phương

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp

Kết luận nội dung thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến tại Phiên họp cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Tại phiên họp, các ý kiến đều khẳng định, thời gian qua tình hình kinh tế xã hội diễn biến phức tạp, cơ hội, thuận lợi đan xen với thách thức, tác động lớn đến đời sống người dân. Nhưng với sự quyết tâm, lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã điều hành năng động, sáng tạo, tận dụng cơ hội khắc phục khó khăn, đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, các ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật tại Phiên họp đã nhấn mạnh, làm rõ thêm về thành tích, tồn tại và phương hướng giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, đánh giá hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn công tác xây dựng thể chế, khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật

Minh Thành