Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mang ý tưởng ra thị trường

Tại Hợp tác xã (HTX) mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang… chị Đào Thị Hương- chủ nhiệm HTX - vừa tráng bánh, vừa giới thiệu với chúng tôi về các sản phẩm mỳ Chũ của Thuận Hương. Chị kể, hiện HTX đang có 10 dòng sản phẩm, trong đó nổi bật nhất là dòng mỳ ngũ sắc (mỳ gạo lứt, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền đỏ và mỳ chùm ngây). Toàn bộ sản phẩm được làm từ gạo bao thai hồng và rau, củ, quả trồng theo phương pháp VietGAP; quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đóng gói bao bì mẫu mã đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ thế mà mỳ ngũ sắc của Thuận Hương không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà còn bước đầu xuất khẩu sang Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Đơn hàng 3,5 tấn mỳ Chũ ngũ sắc vừa được HTX ký với đối tác để chuẩn bị xuất đi Nhật. Để giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài được thuận lợi hơn, chị Đào Thị Hương cho biết: “HTX đang tiến hành công tác bảo hộ thương hiệu/nhãn hiệu đối với sản phẩm mỳ Chũ ngũ sắc, cùng với đó là mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, để việc xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài thuận tiện hơn”.

HTX mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương chỉ là 1 trong số ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động phát triển tài sản trí tuệ - bảo hộ thương hiệu/nhãn hiệu cho sản phẩm ở trong nước và tại nước ngoài. Theo các chuyên gia, do nguồn lực còn hạn chế nên không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình. Khảo sát của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM với gần 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn năm 2019 cho thấy, chỉ có 1,63% số doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; và 2,25% doanh nghiệp có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Cho rằng sở hữu trí tuệ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc xác lập quyền hoặc bảo hộ tốt các tài sản trí tuệ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp kiểm soát, nắm giữ các tài sản quan trọng, bảo vệ doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh.

SHTT là cơ sở pháp lý quan trọng để trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: KT

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) nhấn mạnh, cơ quan này đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định về SHTT theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm - hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ, có kế hoạch để xử lý nhanh các đơn sáng chế, đơn nhãn hiệu… tại Cục, cơ bản không để tồn đọng. Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về những trình tự thủ tục đăng ký SHTT.

Theo Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận SHTT là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của các nền KHCN và kinh tế thị trường, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thúc đẩy bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KHCN, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội./.

VŨ NGỌC T/H