HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN AIPACODD 4: VIỆT NAM ĐÃ TIẾN HÀNH HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến

Tham dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4 có đại biểu 10 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy đối với việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Việt Nam đã tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác này. Cụ thể:

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với một số điểm mới chủ yếu như sau: Bổ sung thêm 1 Chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.

Đồng thời Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, cụ thể như sau: Người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý bởi Ủy ban nhân dân cấp xã, Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế); Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện. Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy: Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; Quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; Chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện.

Đại diện Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, với nhiều điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Việt Nam kỳ vọng tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần tích cực ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy gây nhức nhối trong xã hội.

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy AIPACODD 4

Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh những quy định xử lý một số hành vi liên quan đến ma túy, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, Luật sửa đổi lần này cũng đã bổ sung một số điểm mới liên quan đến lĩnh vực phòng, chống ma túy như: Tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu lên 70 triệu đồng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt trong đó có Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng; Bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Cần ngăn chặn, đình chị ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trải phép hảng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy ...

Đại diện Đoàn Việt Nam nêu rõ, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm ma túy; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu cấp thiết, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy./.

Hồ Hương