Hương xạ thôn Cao

Có dịp tới thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, khung cảnh ấn tượng với mỗi người khắp trên các con đường làng, ngõ xóm ngập tràn một màu vàng, màu đỏ của hương phơi. Ở đây hương được phơi khắp nơi, trên mái nhà, ở mỗi sân nhà, ngay cả những cánh đồng lúa vừa gặt xong cũng được tận dụng để phơi hương, dường như màu vàng của hương trải dài xa tít tắp tới tận chân trời.

Theo các bậc cao niên làng Cao cho hay, vào khoảng thế kỷ 18, bà Đào Thị Khương, người con gái tài sắc của làng xa xứ lấy chồng đã học được nghề làm hương xạ. Sau này, bà trở về quê và truyền lại cho dân làng, từ đó các thế hệ người dân làng Cao tiếp nối nghề cổ truyền, đến nay cũng phải gần 300 năm.

Để tưởng nhớ tới công ơn của bà, nhân dân thôn Cao lấy ngày 22/8 âm lịch làm ngày giỗ cụ Tổ nghề, hằng năm vào ngày giỗ Tổ nghề dân làng tề tựu tại nhà thờ để thắp nén hương tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã có công lao mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Nghề cổ truyền không chỉ giúp dân thôn cao làm giàu ngay trên quê hương mình một cách bền vững mà còn góp phần cho bức tranh văn hóa truyền thống của tỉnh Hưng Yên thêm đa dạng và lung linh sắc màu.

Thôn Cao hiện có trên 100 hộ làm nghề, với trên 500 lao động thường xuyên. Số lao động làm việc tại làng nghề vào dịp Tết cổ truyền khoảng 1000 – 1200 lao động. Thu nhập của người lao động đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện nay đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Nghề làm hương không kén nhân lực, nên tận dụng được sức lao động nhàn rỗi, ai cũng có thể tham gia sản xuất được. Được biết sản lượng hương xạ của thôn Cao đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm.

Hiện nay thôn đã thành lâp Hiệp hội làng nghề thôn Cao, thu hút được 89 hộ làm nghề sản xuất hương trong thôn tham gia. Những năm qua, hiệp hội tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt chung. Các thành viên hiệp hội đã có nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh thương mại. Ngoài ra, hiệp hội còn chủ động thông qua các chương trình của các cấp, ngành tổ chức đưa sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hương của thôn. Từ đó thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

Từ sáng sớm, những người dân thôn Cao đã có mặt tại xưởng khẩn trương làm việc, để những nén hương kịp đón những tia nắng đầu tiên trong ngày.

Người làm hương thôn Cao tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng. Vì vậy những ngày nắng hanh là thời tiết “vàng” của những người làm hương, thông thường trời nắng thì phơi hương một ngày, trời râm thì hai, ba ngày.

Phơi tăm hương ở thôn Cao.

Mặc dù thời tiết rất quan trọng đối với nghề làm hương nhưng quyết định đến chất lượng hương thì ngay từ công đoạn lựa chọn, pha chế nguyên liệu, hương liệu đòi hỏi người chủ phải rất cầu kỳ, tinh tế mới có thể cho ra được sản phẩm vừa có mùi thơm lại vừa bảo đảm độ cháy tốt.

Để làm ra những nén hương, nhiều công đoạn làm những người thợ thôn Cao phải làm việc vất vả.

Một công đoạn sản xuất hương vòng ở thôn Cao.

Ở thôn Cao, người thợ có thể làm ra nhiều loại hương đăc biệt như hương vòng có đường kính 50 cm, hay hương vòng có thời gian cháy tới 24 h, nếu khách đặt các loại hương nén cháy thời gian dài 15 ngày, 1 tháng, 3 tháng thì họ cũng sản xuất. Hương cháy chậm hay nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật pha chế nguyên liệu.

Trước đây, hương chủ yếu được làm thủ công, một người thợ lành nghề, mỗi giờ cuốn được khoảng 100 nén. Nhưng nay nhờ đầu tư máy móc hiện đại, mỗi công nhân có thể sản xuất được 3 vạn nén nhang/ngày.

Nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc như: trầm, ngâu, huỳnh đàn, hồi, quế, thục, tùng, trắc, nhục đậu... mỗi cơ sở làm nghề có cách sáng tạo riêng để tạo ra mùi hương đặc trưng cho sản phẩm hương của mình.

Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng. Mỗi mẻ hương làm ra, người làm phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra độ bén lửa, độ cháy và mùi thơm của hương.

Nén hương thắp lên, gửi gắm thông điệp của trần gian với đất trời, tổ tiên, ông bà của mình, nó cũng giúp lòng người thanh thản, lương thiện hơn. Bởi vậy hương xạ thôn Cao đang góp phần giữ gìn, lưu truyền những giá trị văn hóa đậm đà phong vị truyền thống của dân tộc.

Nguyễn Dương