Trong ảnh: Máy bay ném bom mang tên lửa Tu-22M3M (Ảnh: Egor Aleev / TASS)
Một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp-quân sự vừa tiết lộ với RIA Novosti rằng máy bay ném bom mang tên lửa hoạt động tầm xa Tu-22M3 đã tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa hành trình Kh-32.
Thoạt nhìn, dường như không có gì mới lạ trong thông điệp này. Tên lửa Kh-32, thay thế cho tên lửa Kh-22 đã lỗi thời, được đưa vào trang bị vào năm 2016. Và không việc gì phải tổ chức kiểm tra lại nó, khi các cuộc kiểm tra cấp nhà nước mới diễn ra có 5 năm.
Còn máy bay Tu-22M3, được NATO đặt biệt danh là "Backfire", cũng là một loại máy bay cũ của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Tầm xa được trang bị tên lửa Kh-32.
Tuy nhiên, những vụ bắn thử này gắn liền với việc chuẩn bị đưa tên lửa vào trang bị cho một loại máy bay hoàn toàn mới. Nói đúng hơn là cải tiến mới của "Backfire" - Tu-22M3M, hiện mới chỉ có hai chiếc nguyên mẫu. Chiếc đầu tiên bay lên bầu trời vào năm 2018, chiếc thứ hai vào năm 2020.
Nhưng người đối thoại của RIA Novosti nói rằng chiếc máy bay tham gia vụ thử tên lửa thực chất là một phòng thí nghiệm bay. “Tu-22M3 được trang bị lại đã tiến hành một số vụ phóng tên lửa hành trình Kh-32, điều này sẽ tạo cơ sở cho vũ khí tấn công của máy bay ném bom Tu-22M3M đã được hiện đại hóa.
Vụ bắn thử diễn ra như một phần của quá trình kiểm tra định kỳ sản phẩm ở trường bắn quân sự. Nguồn tin cho biết, các đặc tính chiến đấu được công bố của tên lửa đã được xác nhận, độ chính xác của cú bắn thử có thể nói là tuyệt đối".
Việc đại tu và hiện đại hóa tiếp theo 30 trong số 60 chiếc Tu-22M3 đang hoạt động trong Không quân tầm xa hướng tới hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, phải tăng đáng kể tầm hoạt động của loại máy bay mang tên lửa này.
Với mục đích này, bộ phận tiếp nhiên liệu trên không được trả lại cho máy bay, vì trước đây nó đã bị tháo dỡ sau khi ký kết hiệp ước START-2.
Bộ phận này không hoạt động trong một thời gian dài, vì vậy việc trả lại nó cho Tu-22M3 đã bị trì hoãn quá lâu. Hiện tầm hoạt động của máy bay chỉ đạt 2.000 km, và do đó việc đưa các máy bay này vào Không quân tầm xa có vẻ như không hợp lý. Với việc tiếp nhiên liệu trên không, tầm bay sẽ tăng lên 7 nghìn km.
Thứ hai, máy bay sẽ được trang bị thiết bị điện tử mới, thống nhất tối đa với hệ thống điện tử của máy bay mang tên lửa Tu-160M. Đặc biệt, một hệ thống điều khiển vũ khí mới cũng đang được lắp đặt.
Chính hệ thống đó sẽ đảm bảo việc sử dụng tên lửa Kh-32, loại tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Nó sẽ hoạt động cùng với tên lửa siêu thanh “Kinzal”.
Cũng có tin đồn rằng tên lửa tầm siêu xa Kh-101 / Kh-102 (thiết bị hạt nhân) với tầm bắn 5500 km sẽ xuất hiện trong kho vũ khí của Tu-22M3M. Tuy nhiên, cả Tổng công ty “Tu” lẫn Bộ Quốc phòng Nga đều không xác nhận hay phủ nhận thông tin này.
Việc hiện đại hóa máy bay mang tên lửa sẽ cho phép nó trở thành mối đe dọa thực sự đối với sự tồn tại của hàng không mẫu hạm Mỹ. Điều đó sẽ được đảm bảo bằng việc tăng tầm bay và đột phá về chất lượng của tên lửa Kh-32 so với Kh-22.
Tên lửa Kh-22 có tầm bay chỉ 600 km. Do đó, để phóng nó vào tàu sân bay, máy bay phải đi vào vùng nhận dạng phòng không của nhóm tấn công tàu sân bay trải dài trong phạm vi 700 km.
Tầm bắn của KH-32 là 1000 km. Vì vậy, Tu-22M3M có khả năng tấn công cả tàu sân bay và các tàu hộ tống, ở khoảng cách an toàn, tránh được các loại máy bay F / A-18 và tên lửa của chúng với tầm bắn 180 km.
Đồng thời, Kh-32 sở hữu những phẩm chất mà nhờ đó nó có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của nhóm máy bay tấn công đối phương với xác suất cao nhất.
Sau khi được phóng đi, tên lửa Kh-32 sẽ bay theo chiều nằm ngang ở độ cao 40 km, điều này khiến hệ thống phòng thủ tên lửa “Aegis” ở giai đoạn này không thể với tới. Vì độ cao tối đa mà tên lửa đánh chặn SM-6 ERAM tuân theo bánh lái khí động học là 33 km.
Ngoài ra, nó chỉ có khả năng đánh chặn các mục tiêu có tốc độ không vượt quá 800 m / s, trong khi tốc độ của Kh-32 là 1500 m / s, tức là gần 5 M, là ngưỡng thấp hơn của tốc độ siêu âm.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ còn sử dụng một loại tên lửa đánh chặn khác - Standard SM-3, có khả năng đánh chặn không chỉ tên lửa đạn đạo, mà thậm chí cả vệ tinh ở độ cao tới 500 km. Nhưng nó chỉ bắn trúng các mục tiêu có thể đoán trước được quỹ đạo - như vệ tinh và tên lửa đạn đạo các thế hệ trước. Nhưng Kh-32 liên tục cơ động khiến loại vũ khí chống tên lửa này không thể tiếp cận được nó.
Trong phần cuối cùng của quỹ đạo, Kh-32 sẽ bắt những mục tiêu lớn, chẳng hạn như tàu sân bay hoặc tàu tuần dương, với sự hỗ trợ của đầu tự dẫn, từ khoảng cách 200-300 km.
Và ở vị trí cuối cùng, nó sẽ tấn công gần như thẳng đứng từ độ cao 40 km. Để đánh chặn nó trong khu vực này, hệ thống “Aegis” sẽ không có đủ thời gian, do tên lửa đánh chặn Kh-32 và SM-6 sau khi phóng sẽ tiếp cận nhau chỉ trong vòng 4-5 giây.
Tất nhiên, điều này đề cập đến cuộc đọ sức giữa tên lửa và vũ khí chống tên lửa, tức là khi "một chọi một". Hệ thống “Aegis” có khả năng bắn nhiều tên lửa một lúc trong trường hợp bị tấn công, giúp tăng cơ hội đánh chặn. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào nhóm tàu chiến tấn công sẽ do một số máy bay mang tên lửa cùng thực hiện.
Trong một ấn phẩm, Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Viện sỹ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, Đại tá Konstantin Sivkov, đã cung cấp những dữ liệu được tính toán cho ý đồ đẩy lùi các cuộc tấn công nhằm vào nhóm tàu chiến tấn công.
Trong điều kiện thuận lợi nhất cho quân phòng thủ, khi chỉ định mục tiêu cho tên lửa chống tên lửa được phóng đi từ các con tàu, chỉ có SM-6 mới có thể đánh chặn được Kh-32 với xác suất là 0,05-0,08.
Nếu chỉ định mục tiêu đến từ một tàu khác hoặc máy bay AWACS, thì xác suất giảm xuống còn 0,01-0,02. Nếu điều khiển từ vệ tinh thì kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn.
Điều đó chỉ ra rằng, theo kịch bản thuận lợi nhất, ít nhất phải có 12 tên lửa đánh chặn sẽ được yêu cầu để đánh chặn một tên lửa. Hai tàu tuần dương mang vũ khí tên lửa tấn công có khả năng phóng 40 tên lửa đánh chặn. Tức là họ sẽ có thể đánh chặn 3 tên lửa Kh-32.
Một máy bay Tu-22M3M cũng mang được chừng ấy tên lửa – 2 chiếc dưới cánh và một chiếc dưới thân máy bay. Và điều rõ ràng là khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng như tiêu diệt nhóm tàu tấn công thì người ta phải điều không phải chỉ có một chiếc Tu-22M3M.
Những cú tấn công liên hoàn của chúng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu mà chúng sẽ nhắm tới. Vì vậy Kh-32 có thể được coi là "sát thủ hàng không mẫu hạm".
Khi Tu-22M3M được trang bị tên lửa siêu thanh “Kinzal” với tầm bay 1000 km, nó cũng sẽ trở thành “sát thủ hàng không mẫu hạm”. Hệ thống phòng thủ tên lửa của nhóm tàu tấn công sẽ không có cơ hội đánh chặn tên lửa đang di chuyển ở tốc độ 10 M, tức là ở tốc độ 3400 m / s.
Hơn nữa, một máy bay Tu-22M3M có thể mang theo 4 “Kinzal” với đầu đạn nặng 500 kg. Nếu đầu đạn của tên lửa Kh-32 có cùng khối lượng xuyên qua một lỗ thủng trên thân tàu có diện tích 30 mét vuông, thì sau đòn tấn công của “Kinzal”, tốc độ của nó cao gấp đôi, hậu quả đối với tàu sân bay còn thảm khốc hơn nhiều.
Vì vậy, 4 tên lửa dành cho 1 tàu sân bay rõ ràng là dư thừa, chỉ cần bỏ ra 1 tên lửa cho một tàu tuần dương mang tên lửa tấn công là đủ.
Và còn một "sát thủ tàu sân bay" khác là tên lửa chống hạm siêu thanh “Zircon” cũng được Hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận vào năm tới.
Để tấn công các tàu thuộc nhóm tấn công bằng loại tên lửa "bất khả chiến bại" này bằng các tàu mặt nước thì không thích hợp, bởi vì tầm bắn của “Zircon”, cũng giống như tất cả các tên lửa chống hạm hiện đại trên biển (không phải từ trên không!), sẽ vào khoảng 600 km, mặc dù một số nguồn nói rằng khoảng 1000 km.
Nhưng ở khoảng cách xa như vậy, tàu mặt nước không nên tiếp cận nhóm tàu tấn công, vốn có hệ thống phòng thủ chống hạm mạnh. Vì tầm bay của tên lửa chống hạm "Tomahawk" BGM-109B đạt 600 km.
Và "cánh tay" của máy bay hoạt động trên tàu sân bay thậm chí còn có thể vươn xa hơn - khoảng 700 km. Vì vậy, các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của những con tàu được trang bị “Zircon” có thể không đủ khả năng để đẩy lùi một cuộc tấn công lớn.
Tuy nhiên, tàu ngầm có thể bí mật tiếp cận các con tàu nhóm tấn công ở khoảng cách 400-500 km. Đó là lý do tại sao các vụ phóng thử nghiệm “Zircon”, lúc đầu được thử nghiệm trên tàu khu trục nhỏ Đô đốc Gorshkov, nhưng về sau lại được thử nghiệm trên tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc dự án 885 “Yasen” K-560 “Severodvinsk”.
Nguy ễ n Quang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)