Không phải F-16, 'Điểu sư' Gripen mới là tiêm kích mà không quân Ukraine muốn có

Ukraine cũng muốn có Gripen

Theo một báo cáo mới, Thụy Điển đang xem xét khả năng gửi máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen tới Ukraine, khi Kiev tiếp tục thúc đẩy các quốc gia phương Tây viện trợ các máy bay tiên tiến cũng như tăng tốc chương trình huấn luyện từ Mỹ cùng các đối tác ở châu Âu.

Chiếc JAS 39 Gripen ở giữa, phía sau là chiếc F-15 và F-16 của Mỹ. Ảnh: The Aviation

Các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất từ lâu đã đứng đầu danh sách vũ khí mà Ukraine mong muốn được NATO viện trợ. Dù Washington mới đây đã bật đèn xanh để các nước sở hữu F-16 chuyển giao loại chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất này cho Ukraine, nhưng Kiev cũng rất quan tâm đến một loại tiêm kích uy lực khác. Đó là JAS 39 Gripen, máy bay chiến đấu đa năng do Thụy Điển sản xuất.

Ukraine tin rằng những chiến đấu cơ này có thể mang lại cho lực lượng không quân của họ - hiện bao gồm các máy bay chiến đấu thời Liên Xô - một sự tăng cường sức mạnh rất cần thiết trên bầu trời.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tới Thụy Điển cách đây hơn 1 tuần và đề nghị Stockholm việc trợ một số máy bay chiến đấu Saab JAS 39 Gripen của nước này cho Kiev. Chính phủ Thụy Điển cũng đã có kế hoạch xem xét liệu có thể gửi JAS 39 Gripen tới Ukraine hay không, theo Đài phát thanh nhà nước Thụy Điển đưa tin.

Điều quan trọng nhất với Thụy Điển là cần đánh giá xem việc chuyển giao những chiếc JAS Gripen có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sẵn sàng phòng thủ của đất nước hay không, và những chiếc máy bay mới có thể được chế tạo nhanh chóng cỡ nào để kịp thời thay thế những chiếc được giao cho Kiev.

Sự phù hợp với tác chiến bất đối xứng

JAS 39 Gripen là loại máy bay chiến đấu đa chức năng siêu âm một động cơ hạng nhẹ do Tập đoàn hàng không vũ trụ & quốc phòng SAAB của Thụy Điển sản xuất. Gripen, (tiếng Anh: Griffin, tiếng Hy Lạp: Gryphon) trong văn hóa phương Tây là một sinh vật huyền thoại với thân, đuôi và chân sau của sư tử; đầu và cánh của đại bàng và móng vuốt đại bàng ở chân trước.

Nhưng chỉ cái tên “Điểu sư” không đủ khiến những chiếc JAS 39 Gripen trở thành con quái vật đáng sợ trên bầu trời. JAS Gripen được thiết kế với ý tưởng cho những cuộc chiến chống lại các lực lượng không quân hùng hậu mà Thụy Điển có thể phải tham chiến trong hoàn cảnh không được trợ giúp từ NATO. Do đó, chiếc máy bay này được các chuyên gia đánh giá là đặc biệt phù hợp với chiến tranh bất đối xứng.

Ưu điểm đầu tiên của JAS 39 Gripen là nó cực kỳ nhanh nhẹn. Với một thiết kế có lực cản thấp cho nó bay nhanh hơn, tầm hoạt động rộng hơn và mang trọng tải lớn hơn. Sự kết hợp cánh tam giác và cánh mũi khiến JAS 39 Gripen có các đặc tính bay và khả năng cất cánh, hạ cánh tốt hơn nhiều chiến đấu cơ cùng thế hệ 4+.

Các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của một cường quốc công nghệ như Thụy Điển tích hợp vào JAS 39 Gripen biến nó trở thành một chiếc máy bay "lập trình được". “Điểu sư” cũng có một thiết bị tác chiến điện tử lắp đặt sẵn, khiến nó có thể mang theo nhiều vũ khí ở thân ngoài hơn, bao gồm các loại tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất tiên tiến và bom thông minh mà không mất đi các khả năng tự vệ.

Dễ bảo trì và tương thích với không quân Ukraine

Nhưng điểm mạnh nhất của JAS 39 Gripen là chúng có chi phí vận hành thấp, cần ít không gian đường băng để cất cánh và hạ cánh, có thể hoạt động ở những địa điểm gồ ghề, khắc nghiệt và dễ bảo trì. Những chiếc “Điểu Sư” này chỉ cần một đường băng dài 800 mét và thời gian chuẩn bị không quá 15 phút để có thể xuất kích.

Một chiếc JAS 39 Gripen được vũ trang đầy đủ. Ảnh: Military Review

Các chuyên gia tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Anh cho biết: “Điều đáng chú ý là trong số các máy bay chiến đấu hiện có của phương Tây có thể được cung cấp tới Ukraine, cho đến nay, Saab Gripen C/D của Thụy Điển là ứng cử viên phù hợp nhất xét về yêu cầu hoạt động”.

Các chuyên gia của RUSI viết: "Về mặt khái niệm, không quân Thụy Điển luôn nhấn mạnh chiến thuật chiếm ưu thế trên không ở cấp độ thấp từ các căn cứ phân tán, theo cách tương tự như cách không quân Ukraine hiện đang hoạt động, và do đó, Gripen được thiết kế với các thiết bị hỗ trợ mặt đất và yêu cầu bảo trì tương thích với cách tiếp cận đó".

Tuy phù hợp như vậy, song theo các chuyên gia quân sự, ngay cả khi Stockholm đồng ý gửi JAS 39 Gripen tới Ukraine, vẫn sẽ mất một thời gian để xem xét việc chuyển giao và sau đó đào tạo phi công cho Kiev. Do đó, các máy bay chiến đấu này, kể cả được chuyển giao ngay trong năm nay thì sớm nhất đến giữa năm 2024 chúng mới có thể xuất kích trên chiến trường.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT JAS 39 GRIPEN

+ Phi hành đoàn: 1 người với JAS 39C / 2 người với JAS 39D

+ Dài: 14,9 m với JAS 39C / 15.6 m với JAS 39D

+ Sải cánh: 8,4 m

+ Cao: 4,5 m

+ Diện tích cánh: 30 m2

+ Trọng lượng rỗng: 6.800 kg

+ Trọng lượng cất cánh tối đa: 14.000 kg

+ Dung tích nhiên liệu: 3.000 lít trong khoang và 3.500 lít ở 2 thùng dầu phụ

+ Tải trọng vũ khí: 5.300 kg

+ Động cơ: 1 × Volvo RM12 có buồng đốt lần hai

+ Tốc độ tối đa: Mach 2 (2.100 km/h)

+ Bán kính chiến đấu: 800 km

+ Tầm bay: 3.200 km

+ Trần bay: 15.240 m

+ Quãng đường cất cánh: 4.00 m

+ Quãng đường hạ cánh: 500 m

VŨ KHÍ ĐƯỢC TRANG BỊ

+ 1 pháo 27 mm Mauser BK-27 với 120 viên đạn (chỉ có ở bản 1 chỗ ngồi)

+ 8 mấu treo với tải trọng 5.300 kg, gắn được các loại vũ khí sau:

6 tên lửa không đối không IRIS-T (Rb.98) hoặc AIM-9 Sidewinder (Rb.74) hoặc A-Darter

4 tên lửa không đối không MBDA Meteor (Rb.101), AIM-120 AMRAAM (Rb.99) hoặc MBDA MICA

4 tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick

2 tên lửa hành trình KEPD.350 tầm bắn 500 km

2 tên lửa chống hạm RBS-15F tầm bắn 100 km

4 bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II

8 bom thông thường Mark 82

16 bom lượn dẫn đường chính xác GBU-39

Quang Anh