Kinh tế thế giới nhiều sức ép

Cùng ngày, sắc đỏ cũng bao phủ thị trường chứng khoán châu Âu khi các chỉ số quan trọng như Euro Stoxx 50, DAX của Đức, FTSE của Anh đồng loạt giảm điểm.

Cùng chung 2 mối lo ngại nêu trên, giá dầu cũng biến động mạnh ngày 17-8, sau khi sụt giảm trong 3 phiên giao dịch trước đó.

Nhà phân tích Tina Teng thuộc Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nhận định: "Những lo ngại về kinh tế của Trung Quốc và rủi ro ở Phố Wall đã gây sức ép lên thị trường dầu mỏ. Giá đồng USD mạnh lên cũng gây thêm áp lực giảm giá dầu".

Biên bản cuộc họp vào tháng 7 của FED vừa được công bố ngày 16-8 tiết lộ các quan chức FED không mặn mà với việc tạm dừng tăng lãi suất, thay vào đó tiếp tục ưu tiên chống lạm phát. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó góp phần làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.

Chỉ số chứng khoán DAX của Đức được hiển thị tại sàn giao dịch Frankfurt hôm 16-8 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng tại nền kinh tế số 2 thế giới. Theo Reuters, Tập đoàn Zhongzhi Enterprise tuần trước thông báo với các nhà đầu tư rằng họ đang bị khủng hoảng thanh khoản và sẽ tái cơ cấu nợ.

Trong nỗ lực ổn định thị trường, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 16-8 nhấn mạnh nước này sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm 2023, cụ thể là đạt tăng trưởng GDP 5%.

Tại Đông Bắc Á, kinh tế Nhật Bản cũng bấp bênh vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Nhật Bản trong tháng 7 đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc đồng USD mạnh lên sau tuyên bố của FED cũng khiến tỉ giá đồng yen so với USD có lúc giảm còn 146,565 yen đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 11-2022.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự mất giá nhanh chóng của đồng rúp so với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ngày 15-8 cũng tăng lãi suất lên 12%.

Xuân Mai