Lai Châu: Xây dựng bản, tổ dân phố văn hóa

Nhân dân bản Nà Ngò (xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên) đầu tư xây dựng nhà ở khang trang

Ông Phạm Ngọc Lệ - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện khẳng định: Phong trào xây dựng danh hiệu “Bản, tổ dân phố văn hóa” được Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là BCĐ) huyện, cấp ủy, chính quyền, BCĐ xã, thị trấn tập trung lãnh, chỉ đạo và các ngành chủ động tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện. 100% bản, tổ dân phố xây dựng và tích cực triển khai, giám sát việc thực hiện quy ước. Nội dung quy ước được xây dựng phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương, có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao. Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trong việc đề ra các nội dung, biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong quy ước. Qua đó, ý thức chấp hành luật pháp, quy ước của cộng đồng trong Nhân dân ngày càng nâng cao, tệ nạn xã hội được ngăn chặn. Việc tham gia sinh hoạt, hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư ngày càng nâng lên; tỷ lệ hộ dân tham dự các cuộc họp bản, tổ dân phố tăng. Mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của khu dân cư được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết khu dân cư được tăng cường.

Bản Nậm Đanh và Nà Ngò (xã Nậm Sỏ) tiền thân cùng 1 bản, được chia tách cách đây nhiều năm. Năm 2020, 2 bản tiếp tục sáp nhập và lấy tên bản cũ Nà Ngò - đây là điều kiện thuận lợi để Nhân dân 2 bản phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong giới thiệu, bầu bộ máy lãnh đạo mới. Sau khi sáp nhập, bản có tổng số 193 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Khi ấy có những khó khăn nhất định vì địa bàn rộng, số hộ phải quản lý đông, phát sinh thêm hộ nghèo, hộ có nhà tạm cần phải xóa để duy trì danh hiệu bản văn hóa đầu tiên của xã Nậm Sỏ cách đây 10 năm. Cùng với phát động các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước của bản, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tiến hành rà soát hộ có nhà tạm, hộ nghèo. Kết quả, đầu năm bản còn 2 hộ nghèo và có nhà tạm; lập danh sách gửi UBND xã đề xuất xin các nguồn lực hỗ trợ. Thông qua số tiền hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cùng cán bộ, công chức xã quyên góp, ủng hộ, Nhân dân trong bản hỗ trợ ngày công san gạt mặt bằng, dựng nhà, đến cuối năm 2020, bản Nà Ngò chính thức “sạch” hộ nghèo và nhà tạm.

Anh Lò Văn Thương - Trưởng bản Nà Ngò chia sẻ: Những năm qua, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của bản nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước, tỉnh, huyện về máy nông cụ, tấm lợp, cây con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn ưu đãi. Nhờ đó, bà con có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Kinh tế phát triển, dân bản chú trọng quy hoạch, xây dựng nhà ở khang trang, vệ sinh bảo vệ môi trường sống. Thành thói quen, thứ 5 hằng tuần, các hộ dân phân công thành viên tham gia tổng vệ sinh môi trường của bản: phát quang cây cỏ, khơi thông rãnh thoát nước, thu gom xử lý rác thải. Bà con đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xóa bỏ hủ tục đối với việc cưới, việc tang và lễ hội. Cuối năm 2020, qua bình xét, bản có 183 hộ đạt danh hiệu văn hóa; duy trì bản văn hóa 10 năm liên tục; Chi bộ bản đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Đối với tổ dân phố số 26 (thị trấn Tân Uyên), sau khi sáp nhập với bản Nà Giàng tổng số hộ lên tới trên 300 và chiếm tỷ lệ dân số đông nhất thị trấn. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là Ban công tác mặt trận tổ dân phố, địa phương vẫn giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền. Theo ông Nguyễn Kim Tới (nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố 26), sáp nhập thêm 1 bản đồng nghĩa với nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên nặng nề hơn. Ngoài vận động Nhân dân tận dụng lợi thế sinh sống ven đường quốc lộ kinh doanh buôn bán; hộ trồng chè đầu tư chăm sóc, nâng cao sản lượng; hộ làm nông nghiệp thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập, tổ tiếp tục duy trì và phát động sâu rộng hơn phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần. Ngay khi nhà văn hóa của tổ được xây dựng quy mô rộng, khang trang, thông qua huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, tổ đã có 2 sân tập luyện bóng chuyền, thành lập các câu lạc bộ dưỡng sinh tâm thể, bóng chuyền hơi, đội văn nghệ… nên phong trào bề nổi của địa phương ngày thêm sôi động. Qua thống kê, toàn tổ dân phố có tới 70% số hộ tham gia luyện tập thể thao; số hộ đạt danh hiệu văn hóa đạt trên 90%.

Cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Nhân dân đồng thuận thực hiện, kết quả xây dựng “Bản, tổ dân phố văn hóa” đều vượt chỉ tiêu hằng năm và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVI, XVII. Hằng năm, có từ 95-100% bản, tổ dân phố đăng ký thực hiện danh hiệu văn hóa. Hết năm 2020, 84,94% (79/93) bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 103,9% kế hoạch. Biểu dương khen thưởng 79/93 khu dân cư không phát sinh tội phạm, 73 khu dân cư không có người nghiện. Một số bản, tổ dân phố điển hình trong duy trì, giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liên tục. Trong đó phải kể đến các bản: Nà Phát (xã Nậm Cần), Nà Ngò (Nậm Sỏ), Phiêng Xe (xã Mường Khoa), tổ dân phố 21 (thị trấn Tân Uyên)… đạt danh hiệu văn hóa liên tục 10 năm trở lên.

Hồng Thắm