Làm sao để tạo 'vaccine' cho trẻ trên môi trường mạng?

Phóng viên: Rất nhiều clip dành cho đối tượng trẻ em trên Youtube được đánh giá là vô bổ nhưng tại sao lại vẫn thu hút được trẻ, thưa bà?

Bà Nguyễn Phương Linh: Chúng ta có thể thấy, hiện nay, rất nhiều clip trên Youtube mà khi người lớn xem cảm thấy rất vô bổ, không có giá trị nhưng trẻ em lại thích thú, thậm chí đam mê. Điều này hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, trẻ em, đặc biệt là các bạn nhỏ dưới 6 tuổi thì chưa có khả năng phân biệt được đâu là clip có ý nghĩa, đâu là clip không nên xem. Các bạn nhỏ lựa chọn clip để xem dựa vào tính hấp dẫn của clip qua việc có hình ảnh sống động, thay đổi liên tục, màu sắc, âm thanh trầm bổng. Nắm được thị hiếu này của trẻ, rất nhiều YouTuber đã xây dựng, sản xuất những clip với nội dung thiếu tính giáo dục, chạy theo việc câu view, câu like, lôi kéo sự tò mò của trẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh.

Phóng viên: Bà đánh giá ảnh hưởng của những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng này như thế nào đến trẻ em?

Bà Nguyễn Phương Linh: Có thể khẳng định, những clip thiếu tính giáo dục, mang nội dung phản cảm, bạo lực không hề mới trên môi trường mạng. Và nó đã có những ảnh hưởng lớn đến trẻ mà hậu quả nhãn tiền đã nhìn thấy, như vụ việc trẻ tự tử khi làm theo thử thách trong clip. Trẻ em là đối tượng đi đầu trong công nghệ nhưng lại chưa có khả năng phân biệt được đâu là nội dung nên xem, đâu là nội dung không nên xem. Chính vì thế, nhiều nội dung khi trẻ xem sẽ coi đó là bình thường, đúng đắn, bắt chước làm theo.

Với những Youtuber có lượng theo dõi lớn (tới hàng triệu lượt theo dõi) đôi khi còn trở thành thần tượng của trẻ, thành người có ảnh hưởng lớn đến trẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm khi nhiều trẻ nhỏ bị ảnh hưởng không chỉ đến hành vi trước mắt mà còn ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của trẻ trong tương lai.

Phóng viên: Trước ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của thông tin xấu, độc, theo bà làm cách nào để tạo “vaccine” cho trẻ trên môi trường mạng?

Bà Nguyễn Phương Linh: Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành có chức năng đã liên tiếp có những chỉ đạo cũng như giải pháp quyết liệt trong việc quét sạch mạng bẩn. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng thì vai trò của người lớn (đặc biệt là phụ huynh của trẻ) vẫn vô cùng quan trọng. Thực tế là nếu vẫn còn người xem, vẫn còn lượng view, lượng share thì sẽ vẫn còn những tài khoản YouTuber bất chấp đạo đức, cho ra đời những sản phẩm thiếu tính giáo dục cho trẻ.

Một buổi truyền thông về sử dụng internet an toàn cho trẻ.

Vai trò giáo dục trẻ em trong gia đình, nhà trường là quan trọng để tạo “vaccine” kháng thể tự chống lại những video độc hại. Về giải pháp kỹ thuật, cha mẹ nên cùng con thống nhất sử dụng các phần mềm phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, Youtube thì dùng Youtube Kid và có các cài đặt về độ tuổi, thời lượng, vô hiệu hóa tính năng gợi ý nội dung, thiết lập danh mục xem, Tiktok hay Facebook chỉ dành cho trẻ trên 13 tuổi và cũng có các cài đặt để bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật chỉ là đối phó, cái chính nhất là cha mẹ cần dành thời gian đồng hành cùng trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ nên giới hạn thời lượng xem clip của con chỉ từ nửa tiếng đến 1 tiếng trong ngày. Trong thời gian này, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian để xem cùng với con, lựa chọn cho con những video phù hợp với lứa tuổi. Đối với trẻ trên 6 tuổi, việc quản lý thời lượng xem cũng như nội dung xem của trẻ sẽ khó khăn hơn, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh khi trẻ sử dụng rất nhiều thời gian trên môi trường mạng. Với đối tượng trẻ này, cha mẹ nên trở thành người đồng hành với con. Cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện hằng ngày với con, lựa chọn những nội dung con nên xem và phân tích cho con hiểu vì sao nên xem những nội dung này, vì sao không nên xem những nội dung kia, giúp trẻ tự tin tương tác trên môi trường mạng mà vẫn hạn chế được thấp nhất những rủi ro.

Có thể khẳng định, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, trẻ em không thể đứng ngoài sự phát triển của thông tin, chính vì thế, việc đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ trở thành một công dân số thông minh là điều các cha mẹ nên làm.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

BĂNG CHÂU (thực hiện)