Mở màn Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023

GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, nguyên giám đốc Trung tâm Maxwell thuộc ĐH Cambridge (Vương quốc Anh), chủ trì cuộc tọa đàm sáng 18-12.

Cuộc tọa đàm khoa học quy tụ những nhà khoa học tên tuổi của ngành bán dẫn thế giới như GS Teck-Seng Low, Phó chủ tịch cấp cao tại ĐH Quốc gia (NUS); GS Nguyễn Thục Quyên, ĐH California, Santa Barbara (Mỹ), GS Albert Pisano, hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc ĐH California, San Diego (Mỹ), TS Sadasivan Shankar, ĐH Stanford (Mỹ), GS Vivian Yam, GS Philip Wong Wilson Wong, ĐH Hong Kong (Trung Quốc)...

GS Richard Henry Friend, chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, phát biểu tại tọa đàm

Ngành bán dẫn được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế số, dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỉ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỉ USD vào năm 2030, theo Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Buổi chiều, các nhà khoa học hàng đầu đã thảo luận về "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn". Cuộc tọa đàm này có sự tham gia của GS Shimon Sakaguchi, Trung tâm Nghiên cứu Miễn dịch Tiên phong (IFReC), ĐH Osaka (Nhật Bản); GS Đặng Văn Chí, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Giáo sư Y khoa Ung thư Xuất sắc của Bloomberg tại Johns Hopkins; GS Jang-Soo Chun, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Nghiên cứu Sáng tạo Quốc gia Hàn Quốc về sinh bệnh học Viêm xương khớp; GS Pascale Cossart, Viện Pasteur (Pháp); TS Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

GS Teck-Seng Low, Phó chủ tịch cấp cao tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS)

Tuần lễ khoa học công nghệ và Trao giải VinFuture 2023 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21-12 tại Hà Nội gồm 4 hoạt động chính: "Tọa đàm Khoa học vì cuộc sống"; "Chuỗi đối thoại khám phá tương lai VinFuture"; "Lễ trao giải VinFuture"' và "Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture". Đây là chuỗi sự kiện khoa học và công nghệ quốc tế quan trọng, nơi hội tụ nhiều tên tuổi của thế giới. Đặc biệt, tâm điểm của chuỗi sự kiện sẽ là lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu đột phá, phụng sự cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất.

Năm nay, Quỹ VinFuture chọn thông điệp "Chung sức toàn cầu", đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng.

Giải thưởng khoa học VinFuture

Song song với tọa đàm khoa học là "Chuỗi đối thoại khám phá tương lai VinFuture" lần đầu tiên được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam. 9 tổ chức gồm các viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ tham gia thảo luận chuyên sâu với những nhà khoa học hàng đầu thế giới về "Công nghệ mới trong điều trị ung thư"; "Nông nghiệp hiện đại hướng tới phát thải ròng bằng "0"; "Công nghệ mới trong bảo vệ các bệnh truyền nhiễm và HIV cho phụ nữ trẻ"…

Đặc biệt, Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ diễn ra tối 20-12 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) là sự kiện quan trọng, vinh danh những nhà phát minh của những công trình đột phá được bình chọn từ gần 1.400 dự án nghiên cứu được đề cử từ hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Mùa giải đầu tiên năm 2021, VinFuture nhận được 599 đề cử, mùa 2 - 2022 là là 970 đề cử và mùa 3-2023 là 1389 đề cử.

Sau 3 mùa, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture

Ngay sau Lễ trao giải là sự kiện "Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023" diễn ra vào ngày 21-12.

Yến Anh