Một giai đoạn hợp thành lịch sử dân tộc Việt Nam *

Báo TG&VN xin lược trích giới thiệu bài viết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đăng trong cuốn sách “Tấm lòng với Đất nước” của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 20/10/1962.

Năm 2003, trong cuốn sách “Chung một bóng cờ”, luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đánh giá: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là một giai đoạn hợp thành lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Với những ai đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hay sống trong những năm tháng ấy, không ai không biết đến vai trò to lớn, nổi bật của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh vừa hết sức quyết liệt, vừa đặc biệt oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Từ năm 1955-1958, trong lúc hàng vạn chiến sĩ và cán bộ kháng chiến tập kết ra miền Bắc, thì tại miền Nam, nhân dân phải sống dưới sự kìm kẹp, khủng bố dã man của Mỹ, Diệm. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, ở Nam Bộ và rừng núi miền Trung nổ ra những cuộc “đồng khởi”, điển hình là ở Bến Tre.

Đã đến lúc cách mạng miền Nam, từ các vùng mới giải phóng đến vùng còn tạm chiếm, đòi hỏi có một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất để tập hợp các lực lượng yêu nước, giương cao ngọn cờ lãnh đạo, có cương lĩnh, chương trình hành động, đồng thời đảm nhận vai trò của một chính quyền thực sự.

Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu cấp bách của cách mạng miền Nam. Mặt trận đưa ra bản Cương lĩnh 10 điều đề cập đến chính sách đối nội, đối ngoại, nhấn mạnh mục tiêu độc lập, thống nhất, hòa hợp hòa giải dân tộc.

Sau một thời gian ngắn, ở khắp miền Nam, Mặt trận các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã và cả trong vùng địch tạm chiếm đã được thành lập. Mặt trận đã hoạt động thực sự như một chính quyền, không những lãnh đạo Nhân dân đấu tranh về chính trị, quân sự và cả lãnh đạo nhân dân sản xuất, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội...

Về đối ngoại, nhờ chính sách ngoại giao “hòa bình và trung lập”, Mặt trận thu hút được sự ủng hộ quốc tế hết sức rộng rãi, không chỉ các lực lượng hòa bình, công lý tiến bộ, mà cả những người còn sợ cộng sản, không tán thành chủ nghĩa xã hội. Cùng với hoạt động đối ngoại của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhận được sự ủng hộ của một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn...

Nhưng sức mạnh của cuộc chiến đấu trước hết phải từ nội lực. Để mở mặt trận nhân dân rộng rãi hơn nữa, cô lập đối phương hơn nữa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra sức vận động, hình thành những tổ chức yêu nước khác để cùng phối hợp hành động. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Trên cơ sở chính trị vững mạnh của Mặt trận và Liên minh, tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập. Đây là một sự kiện quan trọng nói lên bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Vị trí của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được nâng cao tại cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam cả trong đối nội cũng như đối ngoại.

Từ năm 1962, đặc biệt từ khi có Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Paris, bên cạnh lực lượng ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có một đội ngũ cán bộ đối ngoại “Việt cộng” của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời hoạt động năng nổ và hoạt bát ở nhiều nước và trên nhiều diễn đàn quốc tế.

Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam ngày càng đi vào chiều sâu. Về các lực lượng chính trị ở miền Nam, không thể không nói đến “lực lượng thứ ba”, hình thành trong quá trình vận động của Mặt trận và phân hóa hàng ngũ của đối phương.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Năm 1972, khi cuộc chiến tranh đã đến giai đoạn cuối, tại bàn đàm phán chúng ta đưa ra giải pháp để chấm dứt chiến tranh. Đó là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, vấn đề chính trị miền Nam sẽ do các bên miền Nam tự giải quyết; một hội đồng hòa hợp hòa giải dân tộc ba thành phần sẽ chủ trì, tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam...

Có một số người trong chính quyền Sài Gòn mong muốn chấm dứt chiến tranh đã đứng ra chống lại Thiệu... Những người trong lực lượng thứ ba rất đa dạng, nhưng đều mong muốn hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước... Họ đã có sự đóng góp vào thắng lợi cuối cùng của Nhân dân ta.

Ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh do sự cố vấn tham mưu của một số người trong nội các, trong đó ta và một số người của lực lượng thứ ba, đã chấp nhận những điều kiện của Mặt trận để chấm dứt chiến tranh, làm giảm bớt đổ máu và giữ được thành phố Sài Gòn nguyên vẹn. Đó cũng là một sự đóng góp đáng kể của tướng Dương Văn Minh và bộ phận tham mưu của ông.

Như vậy có thể nói, thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 là thắng lợi của cả dân tộc, của toàn thể nhân dân miền Nam, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình ở Việt Nam, có sự góp sức của các lực lượng thứ ba kể trên.

Nhưng tất cả chúng ta cũng hiểu rõ: Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là do cuộc chiến đấu của toàn dân ta ở miền Nam, miền Bắc, của các lực lượng vũ trang, đội quân chính trị và các phong trào đấu tranh ngay trong vùng địch, giữa Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Đã có biết bao nhiêu người đã ngã xuống dưới lá cờ của Mặt trận, bao nhiêu người đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận, không hề sợ gian nguy, gác bỏ tất cả, dấn thân vào cuộc kháng chiến. Nhân dân ta mãi mãi tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những tấm gương về lòng yêu nước, thương dân cao cả đó.

Trước mắt chúng ta là cuộc đấu tranh mới để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta đứng trước nhiều thuận lợi nhưng khó khăn và thử thách không ít.

Chúng ta, người Việt Nam, bất cứ ở trong nước hay ở nước ngoài, trước đây ở trận tuyến nào, nhưng nay trước các anh hùng liệt sĩ, những đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì đất nước, nguyện sẽ trung thành với lý tưởng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh; coi trọng việc tăng cường đoàn kết và hòa hợp dân tộc, tranh thủ quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, phấn đấu không mệt mỏi cho một đất nước Việt Nam độc lập và phát triển vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.

(*) Tít bài do TG&VN đặt.