Phần in nghiên trong ngoặc để trích dẫn là của “Bình luận quân sự”.
Ngày 30 tháng 1 năm 2021, tờ Over Defense (Mỹ) đưa tin: Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (Centre for Naval Analyzes) đã soạn thảo xong một kịch bản "tấn công phủ đầu" vào khu vực Kaliningrad với nội dung chính là tiêu diệt bốn thành phần cấu thành chính của lực lượng phòng thủ Nga ở tỉnh này.
Theo kịch bản trên, nhiệm vụ chính trong tiêu diệt các mục tiêu quân sự và đánh chiếm lãnh thổ (Kaliningrad) được giao cho các lực lượng NATO, mà chủ yếu là các đơn vị Quân đội Ba Lan, và các đơn vị Ba Lan này phải hành động “nhanh và bất ngờ”.
Để chiến dịch thành công, các đơn vị, phân đội NATO sẽ cần phải phá hủy bốn hệ thống phòng thủ trên ốc đảo này của Nga.
Các chuyên gia Centre for Naval Analyzes nêu cụ thể các hệ thống đó như sau:
Trước hết, cần phải hủy diệt các bệ phóng tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Iskander-M” để Nga không thể phát động một cuộc "chiến tranh hạt nhân chiến thuật". Để phá hủy chúng, cần áp dụng các kinh nghiệm tiêu diệt các tổ hợp tên lửa “Scud” của Iraq trước đây.
Mục tiêu thứ hai- các tàu chiến và cơ sở hạ tầng của Hạm đội Baltic, - để tấn công nhóm mục tiêu này sẽ huy động các tên lửa chống hạm và pháo binh tầm xa. Đây được xác định là một nhiệm vụ "dài hơi", chính vì vậy nên trước hết cần khóa chặt các tàu của Hạm đội Baltic ngay trong các căn cứ rồi sau đó mới tấn công tiêu diệt.
Mục tiêu thứ ba- những hệ thống tên lửa phòng không S-400 có khả năng kiểm soát vùng trời trên một nửa lãnh thổ của Ba Lan.
Để tiêu diệt các hệ thống phòng không này, các chuyên gia Mỹ đề xuất phương án tấn công ồ ạt bằng các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS).
Việc tiêu diệt các lực lượng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) Nga sẽ mở cửa không phận để tiến hành các đợt tấn công đường không kích nhằm vào những lực lượng Nga còn lại bị mắc kẹt trong “lò hơi” Kaliningrad, hủy diệt các phương tiện kỹ thuật quân sự hạng nặng và gây ra thiệt hại không thể khắc phục nổi cho khả năng phòng thủ của các đơn vị cơ giới hóa Nga.
Và nhiệm vụ thứ tư- tiêu diệt các lực lượng còn lại trong tỉnh Kaliningrad "để đảm bảo an ninh cho các nước Baltic và hành lang Suwalki".
Đồng thời, các chuyên gia Centre for Naval Analyzes cũng nhấn mạnh rằng những đơn vị quân đội Ba Lan thiện chiến với số lượng 30 nghìn binh sĩ sẽ phải được huy động để tham gia tấn công chớp nhoáng này.
Tuy nhiên, những đơn vị này có thể sẽ gặp một số khó khăn khi hành tiến trong điều kiện địa hình phức tạp và sẽ có khả năng “rơi vào tầm hỏa lực” từ pháo binh Nga.
Trong báo cáo trên có đoạn nhấn mạnh: “Bất kỳ hành động nào làm suy yếu được Quân đội Nga trong những ngày đầu của bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào đều có thể có ý nghĩa mang tính quyết định kết cục của cuộc chiến tranh ở Trung Âu”.
Nhưng cùng với đó, các chuyên gia quân sự Mỹ nói trên cũng cho rằng các hành động quân sự quy mô lớn tại tỉnh Kaliningrad trong các điều kiện hiện nay là "ít có khả năng xảy ra".
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)