Nâng cao đời sống nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Trịnh Văn Tưởng (ấp 4, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa)được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Trước đây, gia đình ông Trịnh Văn Tưởng (ấp 4, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) ấp ủ dự định ứng dụng công nghệ cao vào trồng lúa để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, nâng giá trị nông sản nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn.

Đang loay hoay tìm nguồn vốn, ông được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Thuận tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ QHTND huyện. Từ đó, ông thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa nông sản xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, không còn phụ thuộc vào “cò” lúa.

Ông Tưởng chia sẻ: “Khi tham gia HTX, tôi được hưởng nhiều quyền lợi như tiếp cận khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất, nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ QHTND cho vay 45 triệu đồng, tôi đầu tư máy móc, trang thiết bị ứng dụng vào sản xuất, nhất là có tiền mua vật tư nông nghiệp dự trữ.

Ngoài ra, tôi còn được HTX tạo điều kiện tham gia liên kết với Công ty TNHH Tập đoàn Lộc Trời để sản xuất lúa theo chuẩn châu Âu. Công ty cử nhân viên xuống tư vấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Hiện gia đình canh tác 3,5ha lúa, giống IR4625. Vụ Hè Thu này, tôi có lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Đây là vụ Hè Thu đạt lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua”.

Ông Đoàn Duy (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ QHTND để cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng khổ qua, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông Duy cho biết: “Trồng lúa thu nhập bấp bênh nên tôi quyết định chuyển 3.000m2 đất sang trồng bầu, dưa leo. Thời gian đầu, dưa leo, bầu bán được giá nhưng sau đó, nhiều người trồng dẫn đến giá thấp, không có lợi nhuận nhiều. Vì vậy, tôi quyết định vay 70 triệu đồng từ QHTND để lên liếp, cải tạo đất, mua vật tư nông nghiệp, chuyển sang trồng khổ qua”.

Ông Đoàn Duy (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) chuyển đổi sang trồng khổ qua, góp phần tăng thu nhập

Khổ qua trồng từ 40-45 ngày bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trên 30 ngày nếu chăm sóc tốt. Bình quân, ông Duy trồng 3 đợt khổ qua/năm, được HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh bao tiêu đầu ra với giá trên 11.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng/đợt, tăng gấp mấy lần so với trồng lúa. Lợi nhuận từ trồng khổ qua và trên 4,5ha lúa giúp gia đình ông Duy xây nhà khang trang, có điều kiện nuôi các con học hành, có việc làm ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Bảy thông tin: “Thời gian qua, Hội quan tâm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, QHTND để phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho hội viên. Đến nay, nguồn vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân huyện gần 129 tỉ đồng; QHTND các cấp 5,5 tỉ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Nguồn vốn vay từ QHTND như “chiếc phao” giúp giải quyết được khó khăn về vốn, tiếp thêm nguồn lực để hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống./.

Nhã Lam - Lê Ngân