Người phơi mây trên những đỉnh sương mù

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (thứ hai từ trái qua) và các đồng nghiệp

Ba tập sách gồm một tập tiểu luận Thời của tạp chí và hai tập thơ: Chiều không tên như vết mực giữa đời; Loạn bút hành. Riêng cuốn tiểu luận viết hoạt và thoáng như “văn Tây” đã có một số nhà nghiên cứu đánh giá cao. Trong bài này tôi xin chấm phá vài nét về hai tập thơ.

Ba cuốn sách vừa ra lò của Nguyễn Tiến Thanh

Trong hai tập thơ, Chiều không tên như vết mực giữa đời chỉ 22 bài, Loạn bút hành 36 bài. Hai tập viết cách nhau quãng 20 năm. Đủ biết tác giả vốn là người chơi thơ rất công phu, kỹ lưỡng. Nhưng cũng còn lý do khác, đó là người thơ nhiều khi bị cuốn vào công việc bận rộn, thời gian cứ lồng lên, cứ xô vào anh lắm khi tưởng đứt hơi. Thế là đành tạm gác thơ, dành “thời gian nhà nước” cho báo. Những khi thi hứng nổi lên, anh ghi vội mấy dòng vào tâm trí. Nên chi thơ anh bảng lảng, bổng trầm, mơ mộng và nhiều bài khá đậm chất… giang hồ. Mà cái mạch ấy lại kiên trì bám đuổi anh suốt từ khi còn là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đến khi trở thành cây bút già dặn tuổi “tri thiên mệnh”.

Lơ mơ, ngất ngư mà lại tỉnh như sáo, ấy là chốn của thơ. Trong thơ Nguyễn Tiến Thanh, ở cả hai tập ta gặp mây, trời, trăng, sao, mưa, bụi, gió, nắng…Những cái đập vào mắt ta thường ngày khi tỉnh khi say, thế mà trong con mắt thi sĩ, nó bỗng thăng hoa, bỗng du dương, bỗng nhói tim, cắt da cắt thịt. Nhưng tập trung nhất vẫn là mây. Mây bay từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Mây bay trên trời và trên mặt đất. Mây bay trong cõi người và cõi vô thường. Mây bay đi mà ở lại. Hãy đọc những câu thơ huyền ảo: “Tháng giêng mây hồng thay áo”, “Ta phơi mây trên những đỉnh sương mù”, “Bỗng dưng khói thuốc như mây ven trời”, “Chỉ nao lòng khi mây trắng lặng im”, “Gặp mây trắng chở câu hò sang ngang”, “Đâu có ngờ mây trắng vẫn hư vô”, “Bỏ những mùa mây trắng mà đi”…

Mây trong thơ Nguyễn Tiến Thanh là mây trong tâm tưởng, trong nỗi cô đơn, nỗi buồn là đám mây đánh thức. Trong bài Bởi vì mây bay, anh viết: Nhớ là quên, đến là đi/Chắc mây vẫn trắng bởi vì mây bay, và: Trĩu vai một gánh sương mù/Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi. Thôi chớ lo xa những hữu hạn đời người, những phù vân trên bến đỗ cuộc đời. Thôi hãy an nhiên mà “gieo thơ lục bát”, để ý mà chi những thị phi gươm giáo. Vẫn là khí khái của người thơ năm 19 tuổi, Mây trắng trời, khôn lớn trắng bàn tay (bài Điều đó dĩ nhiên rồi). Bởi thế, tôi cứ nghĩ, dù là viết về mây, về gió, về nắng, về mưa, về cát…, thơ Nguyễn Tiến Thanh luôn hướng về cái đẹp trong chiều sâu tâm hồn con người. Sẽ không quá khi nói tác giả hai tập thơ này là nhà thơ duy mĩ. Duy mĩ, cho nên khi viết tới những bề bộn trong cuộc sống thường ngày, những vấn đề thế sự, viết về tráng ca hay bi ca cũng đều “mang cơn đói chân trời”, đều hội tụ về đốm sáng lung linh của cái đẹp. Tôi thấy cái lung linh ấy qua các thi phẩm: Chặng đường tuổi 20, Trung du, Lời buồn cho em, Gửi Trường Sa, Trường hợp của thơ, Suy tưởng, Tháng Giêng, Sa Pa…

Trong bài Sa Pa, nhà thơ viết: Thời gian đốn ta bằng lưỡi rìu ký ức/Thăm thẳm đại ngàn tim hóa lửa hay chưa. Trước lưỡi rìu nghiệt ngã thời gian, hoặc là ta chấp nhận, đầu hàng số phận, hoặc là đứng lên bằng đôi chân mình, bằng trái tim ấm nóng, tái sinh mình, như cây xanh trồi lên qua sương mù, giông gió. Trong một bài thơ khác anh viết: Nhưng anh biết bởi vì tim hóa lửa/Dẫu tàn tro vẫn ấm lúc đông tàn. Bài Lời buồn cho em, tưởng nhớ những em bé Khâm Thiên bị giết hại vì bom Mỹ tháng 12/1972, nhắc lại cuộc thảm sát kinh hoàng: Những tháng năm mưa nắng chẳng yên lòng/Lửa đã cháy tuổi thiếu thời bom nổ/Lửa đã cháy và Khâm Thiên đổ vỡ… Vậy mà đâu đó, trong cuộc sống hôm nay sao có người đi ngang qua chiến tranh nỡ quên quá khứ. Nhà thơ nhìn sâu vào lịch sử, nhìn sâu vào chính mình: Anh đâu dám nói mình từng trải/Bởi chưa từng đi hết nỗi đau.

Các nhà thơ cổ điển đã có nhiều bài thơ hay về mây, từ Thi tiên Lý Bạch đến Thi thánh Ðỗ Phủ ở Trung Hoa, đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đất Việt. Ðầu thế kỷ 20, Quang Dũng có Mây đầu ô với : Mây ở đầu ô mây lang thang/Ôi! Chật làm sao góc phố phường khiến ta cảm thấy ngộp thở, thấy cuộc đời mới chật chội làm sao, mới mong được như dải mây kia lang thang đến bến vô cùng, khám phá đến tận đáy bí ẩn của vũ trụ, của cái đẹp. Mây trong thơ Nguyễn Tiến Thanh khiến ta nao lòng.

Trung thành với nghệ thuật thơ truyền thống, Nguyễn Tiến Thanh cứ đầu trần mà đi giữa chốn nhân gian. Anh quan niệm, thơ không phải là làm xiếc ngôn từ. Cứ giản dị, cứ “nói tóm lại” mà thơ đi vào đời. Nhưng thơ thì phải say, huyền ảo mà thành thực. Mấy ai thành thực như chàng sinh viên ấy năm nào ở “Tuyệt tình cốc” Mễ Trì. Chàng ấy nghèo đến mức chỉ có cái túi ba gang, bên trong là dăm mộng ước và vài trang thơ tình. Không có khế và không có… vàng, nhưng mà có tất cả. Thật là gợi. Nghệ thuật gợi của thi ca đối lập với nghệ thuật gói. Ý thơ mở ra, mở mãi. Lời thơ nối nhau cho đến khi chỉ còn lại sự im lặng. Ấy là cảm giác khi gấp sách lại. Có phải tập thơ “mỏng” quá. Không phải. Đó là sự dừng lại, như một điệu múa đẹp, có khi dừng ngay ở lưng chừng cánh tay đưa. Vâng, không cần chính xác như đi dây phải giữ thăng bằng, như chạy bộ về đích nhanh.

Cố nhiên, người đọc khó tính có thể nói rằng thơ Nguyễn Tiến Thanh có phần “cổ điển”. Cả cách lập ý, lập tứ, cả trong những tập hợp từ Hán Việt. Nhưng tôi thì nghĩ, dù cổ hay kim, dù phân tích chẻ hoe từ thi cảm, thi tứ, thi điệu, thi ảnh…, suy cho cùng vẫn làm sao tới được chữ hay. Mấy chục năm trước, nhiều bài thơ của Nguyễn Tiến Thanh đã được các bạn sinh viên chép vào sổ, truyền tay nhau đọc. Bây giờ “vết mực giữa đời” vẫn đang viết nên trang và vẫn còn tươi ròng cảm xúc, một lòng yêu đến tận cùng, yêu đời, yêu người. Thế cũng là duyên may cho người viết.

HẢI ĐƯỜNG