Người phụ nữ âm thầm chôn cất thai nhi: 'Xưng ngoại, gọi con, xem các cháu như người nhà'

"Nhìn các cháu thấy rất thương..."

Buổi sáng, bà Nguyễn Thị Nga đạp xe điện ra phía nghĩa trang Lái Thiêu (thuộc phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Như mọi ngày, bà cẩn thận lau chùi những ngôi mộ, làm cỏ, dọn rác... Theo linh tính mách bảo, bà bất ngờ phát hiện một hộp gỗ nằm sâu dưới lòng đất.

31 ngôi mộ thai nhi tại nghĩa trang Lái Thiêu

Bà Nga cùng người đồng nghiệp hì hục đào, tuy nhiên, hai người phụ nữ không thể nào đưa hộp gỗ lên mặt đất được. Ngày hôm sau, cả người bà Nga cứ nôn nao, miên man suy nghĩ vì chiếc hộp gỗ. Bà nhờ một người đàn ông gần đó phụ một tay để tiếp tục đào. Sau 30 phút, hộp gỗ nằm sâu dưới lòng đất đưa lên. Bà mở và ra phát hiện túi nilon đen bên trong là tro cốt của một em bé, ngập ngụa trong nước lạnh lẽo. Ngay lập tức, cả ba đưa bé vào một nơi cao ráo để chôn cất.

Đó là một câu chuyện trong hàng chục câu chuyện mà bà Nga đã chứng kiến trong nhiều năm qua.

Đối với bà, mỗi sinh linh ra đời đều mang ý nghĩa thiêng liêng. Vì thế, mỗi khi nhặt được thai nhi bị bỏ rơi, bà lại mang về và chôn cất tử tế. Tính đến nay, phần nghĩa trang thai nhi mà bà Nga dựng nên đã có 31 ngôi mộ, tượng trưng cho 31 câu chuyện, 31 cuộc đời đã dừng lại từ khi lọt lòng hay còn nằm trong bụng mẹ.

Bà Nga

Bà kể: "Trước đây, chồng tôi làm quản trang tại nghĩa trang Lái Thiêu. Khi chồng bệnh rồi qua đời, tôi thay ông ấy tiếp tục công việc này. Hằng ngày, tôi quét cỏ, đắp mộ... xung quanh khuôn viên. Có những em bé được tôi tìm thấy trong tình trạng rất đau lòng. Đứa đặt trên gốc cây sứ, đứa tìm thấy dưới tấm đan, đứa bị bỏ vào hộp...

Nhìn các cháu, tôi thấy rất thương. Vì vậy, tôi quyết định đem về, đặt cho chúng một cái tên, chôn cất đàng hoàng rồi hằng ngày đến thắp nhang".

Không ít lần, bà Nga rơm rớm nước mắt khi nói về những ngôi mộ không mẹ cha. Bên cạnh đó, có những đứa trẻ vì cha mẹ quá nghèo, đành đem đến đây bỏ lại. Mỗi ngôi mộ đều được bà Nga đặt nhành hoa cúc, đồ chơi, sữa... Bà gọi chúng còn "các con", xưng là "ngoại". Tất cả những điều bà làm như một sự an ủi cuối cùng dành cho những đứa trẻ kém may mắn.

Mỗi ngôi mộ là một cuộc đời đã khép

Nói chuyện được 30 phút, bà Nga phải xin phép ngừng để uống thuốc. Căn bệnh về xương khớp đã làm đôi chân bà đau nhức, đi lại khó khăn. Nhưng trong suốt mấy năm qua, bà chưa một lần bỏ việc.

"Con gái biết tôi làm việc ở nghĩa trang thì nó nói là thôi má nghỉ ngơi đi, hoặc tìm gì đó đỡ vất vả hơn mà làm. Nhưng, tôi không bỏ được. Một ngày không đến nghĩa trang là tôi lại thấy mình bần thần, bứt rứt. Nếu tôi không lau quét thì sẽ không ai làm", bà nói. Thi thoảng, bà Nga cũng khá buồn rầu khi mộ của những đứa trẻ lại bị "dân xin số" cúng bái, viết chữ phía trước.

Phần mái che do mạnh thường quân hỗ trợ

Đối với bà Nga, mỗi ngôi mộ tượng trưng cho một cuộc đời đã khép. Trong số đó, có những đứa mất từ khi mới lọt lòng mẹ, có những đứa là kết quả của một mối tình không vẹn tròn... Tất cả đều được bà chôn cất cẩn thận. Vài năm gần đây, nhờ một số mạnh thường quân, bà có thể xây được một mái vòm bằng tôn để che mưa, che nắng cho "tụi nhỏ".

Đồng hành cùng bà Nga, bà Năm (một người quản trang tại Lái Thiêu) cho biết: "Một lần, chúng tôi gặp một người đàn ông đi xe xuống dưới nghĩa trang. Ông đứng tần ngần hồi lâu rồi dò hỏi: "Con tôi vừa mới mất, tôi chưa biết chôn ở đâu"... Vợ ông ấy hư thai nên ông đã một mình lái xe xuống Lái Thiêu để an táng con, hoàn cảnh đáng thương vô cùng.

Khi có được chỗ chôn cất con đàng hoàng, ông ấy mừng lắm, phần nào yên tâm vì con cũng đã có nơi yên nghỉ. Mỗi đứa bé mất đi đều để lại nỗi đau vô vàn. Có đứa có cha mẹ, có đứa thì không... Việc an táng chúng cẩn thận như sự tiễn biệt cuối cùng mà người lớn dành cho".

Bất kể nắng mưa, mỗi ngày bà Nga đều đến nghĩa trang để chăm sóc phần mộ cho các thai nhi

Ở tuổi xế chiều, bà Nga vẫn không có một ngày nghỉ ngơi, quần quật với nhiều công việc với nghĩa trang Lái Thiêu. Tại khu vực này, có nhiều ngôi mộ vô danh, chẳng người thân lui tới hương khói, bà lại tỉ mỉ lau chùi, đắp cỏ. Đối với bà, đó vừa là công việc, vừa là cách để bà làm tròn ơn nghĩa cuối cùng với người đã khuất.

Lan Chi