Giá lúa Đông Xuân giảm, thương lái bỏ cọc

Nhiều nông dân trồng lúa Đông xuân ở các tỉnh ạc Liêu, Hậu Giang cho biết, khi lúa chưa trổ, cò lúa (người đại diện của thương lái) đến tận ruộng đồng ý bao tiêu lúa với giá 8.700- 9.000 đồng/kg đối với giống lúa Đài Thơm 8, cùng với đó là đặt cọc mỗi công 200.000 đồng.

Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, thương lái đề nghị giảm giá lúa xuống còn 8.000 đồng/kg. Thấy lúa đang đà giảm giá, nhiều nông dân cũng đồng ý. Tuy nhiên đến khi cân lúa, nhiều thương lái lại tiếp tục xin giảm xuống thêm 200 đồng/kg.

Nhiều cánh đồng lúa Đông xuân ở ĐBSCL đã chín vàng nhưng chưa thu hoạch được do thương lái bẻ kèo

Theo ông Phạm Văn Mười- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lúa Đông Xuân liên tục giảm, dẫn đến việc thương lái đặt cọc trước đó đòi hạ giá hoặc bỏ cọc. Tình trạng này không còn là chuyện lạ tại Bạc Liêu cũng như các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mỗi vụ mùa khi giá lúa sụt giảm.

Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cùng chính quyền các địa phương, ở vụ lúa Đông Xuân này hầu hết nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái đưa ra, thấp hơn 1.000 -1.500 đồng/kg so với giá nhận cọc từ trước. Điều này, cũng có nghĩa là nông dân thất thu khoảng 1-1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.

Phần lớn nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái đưa ra, thấp hơn 1.000 -1.500 đồng/kg so với giá nhận cọc từ trước

Dù thiệt hại, nhưng nông buộc phải chấp nhận giảm giá theo yêu cầu của thương lái. Bởi nếu không giảm giá thì thương lái bỏ cọc, đồng thời nếu bán cho lái khác ở thời điểm hiện tại với mức giá mới cũng không khá hơn.

Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, nông dân cần cẩn trọng, cân nhắc hơn khi thỏa thuận bán lúa. Đồng thời khuyến khích sản xuất thông qua hình thức hợp tác, nhất là các hợp tác xã để có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro.

Nguyễn Tấn Phong/VOV-ĐBSCL