Nguy cơ Afghanistan rơi vào hỗn loạn và bạo lực

Binh sĩ Afghanistan tại khu vực đụng độ với Taliban ở tỉnh Kunduz ngày 22-6.

Bạo lực đẫm máu

Bạo lực đã gia tăng tại Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ và các nước thành viên NATO đẩy mạnh kế hoạch rút quân khỏi nước này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh hoàn thành việc rút quân trước ngày 11-9 tới, ghi dấu tròn 20 năm ngày xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ. Mỹ cho rằng Taliban gia tăng các cuộc tấn công trong thời gian gần đây nhằm bành trướng thế lực ở nhiều quận huyện trên khắp Afghanistan. Cho đến nay, Taliban đã giành quyền kiểm soát hơn 70 trong tổng số 370 quận huyện tại Afghanistan kể từ đầu tháng 5. Hầu hết các quận huyện mà Taliban vừa giành quyền kiểm soát nằm quanh thủ phủ của các tỉnh. Điều đó có nghĩa Taliban đã xác định mục tiêu sẽ tấn công và giành các địa điểm này ngay sau khi lực lượng quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Các quan chức ngày 27-6 cho biết, lực lượng Taliban đã đốt phá ít nhất 100 cửa hàng và 20 ngôi nhà tại huyện Andkhoy thuộc tỉnh Faryab ở miền Bắc Afghanistan. Giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và Taliban bùng phát tại huyện Andkhoy hôm 23-6. Phiến quân cơ bản đã chiếm được huyện này sau khi đẩy lui các lực lượng an ninh. Tuy nhiên, Taliban cũng đã rút khỏi đây hôm 25-6, sau các cuộc đụng độ ác liệt làm 25 tay súng phiến quân thiệt mạng. Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Faryab, ông Mohammad Karim Yurash cho biết trước khi rút lui, Taliban đã đốt phá khoảng 100 cửa hàng, trong đó có những cơ sở bán thảm, lương thực và thực phẩm. Khoảng 20 ngôi nhà khác cũng bị phiến quân đốt phá trên đường rút lui. Một quan chức địa phương khác, ông Nasir Ahmad Azimi cũng xác nhận tình trạng giao tranh giành giật quyền kiểm soát huyện Andkhoy thời gian qua đã gây thiệt hại cho nền kinh tế trong vùng với rất nhiều nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị phá hoại.

Trong bối cảnh đó, hãng tin TOLOnews của nước này cho biết, hàng trăm người tại nhiều tỉnh của nước này đã tình nguyện cầm vũ khí cùng các lực lượng chính phủ chống lại Taliban. Đây là những người dân đang sinh sống tại các tỉnh Herat, Patkia, Ghor và Kunduz. Họ khẳng định sẽ không cho phép làng xóm của họ rơi vào tay Taliban. Họ cũng cho rằng chính lực lượng Taliban là kẻ sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của đất nước. Về phần mình, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Latif Mahmoud cho rằng việc người dân tình nguyện tham gia của lực lượng chính phủ chống lại hành động bạo lực của Taliban là rất đáng hoan nghênh, vì mục tiêu chung của đất nước, giữ vững lãnh thổ và ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền. Về phần Taliban, lực lượng này đe dọa những ai dám cầm súng đối đầu sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Mỹ đã kêu gọi chấm dứt bạo lực

Hôm 22-6, Mỹ đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Afghanistan. Lời kêu gọi của Mỹ được đưa ra 3 ngày trước chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi các bên tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm xác định một lộ trình chính trị cho tương lai của Afghanistan và tiếp tục kêu gọi chấm dứt bạo lực đang diễn ra mà phần lớn là do Taliban gây ra". Ông Price khẳng định bạo lực phải chấm dứt và Mỹ tiếp tục tin tưởng rằng các cuộc dàn xếp thương lượng giữa Afghanistan và Taliban là cách duy nhất để chấm dứt 40 năm chiến tranh và mang lại cho người dân Afghanistan hòa bình mà họ tìm kiếm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby hôm 21-6 cho biết quân đội nước này có thể giảm tốc độ rút quân khỏi Afghanistan trước thực trạng lực lượng Taliban gia tăng các cuộc tấn công trong thời gian gần đây nhằm bành trướng thế lực cũng như tình trạng bạo lực tại nước này vẫn ở mức cao. Ông Kirby khẳng định các lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban trong khả năng của mình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khi quá trình rút quân đang dần đi đến vạch đích, khả năng hỗ trợ này sẽ mất dần và không còn.

Trong khi đó, Taliban một lần nữa yêu cầu Mỹ tôn trọng và thực hiện các cam kết của nước này trong thỏa thuận hòa bình ký giữa hai bên tháng 2-2020, trong đó có việc thả toàn bộ tù binh của Taliban đang bị giam giữ tại Afghanistan và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào các thành viên cấp cao của lực lượng này. Phát ngôn viên Văn phòng Chính trị Taliban Suhail Shaheen khẳng định lực lượng này vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán bí mật với Mỹ.

AN BÌNH