Nợ hộ gia đình ở Việt Nam tăng cao: Nhiều nỗi lo

HSBC vừa công bố báo cáo "Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?" cho biết, nợ hộ gia đình ở Việt Nam đang là một "mối quan tâm lớn" vì có khả năng chịu tác động xấu, đặc biệt khi thị trường lao động gặp ảnh hưởng tiêu cực.

Kết luận trên dựa vào việc phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh nhóm "Big 4" (Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank). Nhóm này vốn chiếm một nửa tổng dư nợ toàn thị trường.

Theo báo cáo của HSBC, tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng hộ gia đình đã tăng từ 28% năm 2013, lên tới 46% trong năm 2020. Trong khi trước đó, tỷ lệ dư nợ lớn nhất luôn thuộc về nhóm công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn.

Tỷ lệ dư nợ tăng cao của nhóm hộ gia đình đã làm gia tăng tương ứng quy mô nợ của nhóm này so với quy mô GDP, từ mức 25% lên 61% trong cùng kỳ...

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh bày tỏ nhiều nỗi lo trước con số nêu trên.

Trước hết, trong những năm qua, dù GDP tăng cao nhưng đa số người dân không có tiền để dành mà phải đi vay một phần để tiêu dùng. Việc vay tiêu dùng có thể giúp cho GDP tăng trưởng, tuy nhiên, điều này kéo theo nguồn lực ngày càng yếu đi và rủi ro lạm phát, nợ xấu không thể không tính đến.

Trong giai đoạn 2009-2019, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6,3%. Đây là mức tăng trưởng khá cao đối với các nước trên thế giới và trong khu vực, tuy năm 2020 tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể thấp hơn do các nguyên nhân như dịch bệnh và thiên tai.

Tuy nhiên, TS Bùi Trinh một lần nữa cho rằng sẽ không thỏa đáng nếu quá vui mừng với thành tích tăng trưởng GDP cũng như việc Việt Nam xuất siêu hàng tỷ USD bởi phần Việt Nam được hưởng rất ít.

Việc tăng vay nợ để tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam gây nên nhiều nỗi lo. Ảnh: Zing

Đã nhiều lần vị chuyên gia nhấn mạnh, không nên đánh đồng tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP, GDP chỉ là chỉ tiêu phản ánh sự khởi tạo thu nhập lần đầu và là chỉ tiêu cân đối tài khoản sản xuất. Trong nhiều trường hợp, GDP tăng nhưng tài sản của quốc gia lại mất, nguồn lực nhỏ lại. Bởi vậy, chỉ nên xem GDP như chỉ tiêu mang tính tham khảo.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI), về nguyên tắc tính toán GDP thường trú, tức toàn bộ giá trị tăng thêm của khu vực FDI được tính vào GDP của quốc gia. Như vậy, khu vực FDI có thể làm GDP tăng trưởng, nhưng luồng tiền ra khỏi đất nước cũng tăng lên.

Ông dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê: GDP theo giá hiện hành năm 2019 so với năm 2000 tăng 13,7 lần, luồng tiền đi ra nước ngoài năm 2019 so với 2000 tăng 55,3 lần; GDP giá hiện hành năm 2019 so với 2010 tăng 2,8 lần, và tốc độ tăng luồng tiền ra tương ứng 4,3 lần.

Tức tốc độ tăng luồng tiền chảy ra nước ngoài cao hơn tăng về GDP 1,5 lần, dẫn đến tỷ lệ GNI so với GDP ngày càng giảm. Năm 2000 tỷ lệ GNI so với GDP 98,6%, năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống 94%.

Trong một nghiên cứu cách đây vài năm, TS. Bùi Trinh dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ năm 2010-2017 luôn ổn định ở mức 70-72% GDP. Trong khi đó, thu nhập từ sản xuất của người lao động rất thấp. Điều này, theo vị chuyên gia, là tín hiệu không tốt bởi đa số người dân không những không có tiền để dành mà phải đi vay một phần để tiêu dùng. Nó cũng cho thấy việc tăng GDP hầu như không có ý nghĩa với người dân.

Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng chủ yếu làm gia công hoặc buôn bán, nên TS Bùi Trinh không cho rằng hộ gia đình vay để sản xuất. Còn việc đầu tư vào chứng khoán, bất động sản của hộ gia đình, theo vị chuyên gia, là có nhưng chỉ là một phần và chủ yếu theo tâm lý a dua "người người chơi chứng khoán, bất động sản, nhà nhà chơi chứng khoán, bất động sản".

Cách đây 2-3 năm, chuyên gia Bùi Trinh đã bày tỏ lo ngại với chuyện vay để tiêu của hộ gia đình ở Việt Nam.

"Xã hội Việt Nam có rất nhiều người chưa giàu nhưng đã có tâm lý hưởng thụ. Trong khi thu nhập đầu người cực thấp, sản xuất không đủ tiêu dùng thì nhiều người đi vay, trả lãi để mua ô tô, mà cuối cùng chỉ để... khoe hàng xóm. Nhiều gia đình vỡ nợ chỉ vì sĩ diện, đáng tiếc đó lại là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, không chỉ giới hạn ở hộ gia đình", TS Bùi Trinh nhận xét.

Thành Luân