Phản ứng của thế giới về tình hình Sudan

Khói bốc lên sau các cuộc đụng độ nổ ra ở Khartoum, Sudan ngày 15/4. (Nguồn: Anadolu)

Tuyên bố ngày 15/4 của UNITAMS nêu rõ: "Ông Perthes đã liên hệ với cả hai bên yêu cầu họ ngừng giao tranh ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh để Sudan rơi vào tình trạng bạo lực hơn nữa".

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết, toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn.

Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) đưa ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn và "các bên chính trị và quân sự tìm ra giải pháp chính trị công bằng cho cuộc khủng hoảng".

Chủ tịch Ủy ban, ông Moussa Faki Mahamat đang "theo dõi chặt chẽ và hết sức quan tâm đến những diễn biến ở Sudan" và kêu gọi tất cả các bên, "đặc biệt là Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ngay lập tức chấm dứt việc phá hủy đất nước, khủng bố người dân và tình trạng đổ máu trong 10 ngày cuối cùng của tháng Ramadan".

Trong tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh tình trạng bạo lực đang diễn ra trên khắp Sudan phải chấm dứt ngay lập tức. London kêu gọi lãnh đạo Sudan “làm tất cả những gì có thể” để "kiềm chế quân đội của mình" và giảm căng thẳng, ngăn chặn tình trạng đổ máu thêm.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh khẳng định, "hành động quân sự sẽ không giải quyết được tình hình này".

Saudi Arabia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng bày tỏ sự hết sức quan ngại trước tình hình leo thang và các cuộc đụng độ ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng và nỗ lực hướng tới chấm dứt khủng hoảng thông qua đối thoại.

Đại sứ quán UAE tại Khartoum tái khẳng định lập trường về "tầm quan trọng của giảm căng thẳng, đồng thời hướng tới tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng giữa các bên liên quan".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin leo thang căng thẳng giữa RSF ở Sudan và quân đội nước này, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi "các bước khẩn cấp" nhằm chấm dứt đụng độ ở Sudan, làm ít nhất 3 dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, CH Chad nhanh chóng quyết định đóng cửa đường biên giới dài 1.403 km với Sudan, đồng thời kêu gọi “cộng đồng khu vực và quốc tế cũng như tất cả các quốc gia thân thiện ưu tiên khôi phục hòa bình”.

Còn hãng hàng không EgyptAir của Ai Cập ngừng các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Khartoum của Sudan trong vòng 72 giờ sau khi xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực tại đây.

Chính quyền Saudi Arabia ra thông cáo cho biết các chuyến bay đến và đi từ Sudan của nước này đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF - nhóm bán quân sự đầy quyền lực ở quốc gia Bắc Phi nổ ra ngày 15/4, bắt nguồn từ căng thẳng leo thang suốt nhiều tháng nay, liên quan đến bất đồng về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội và đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này.

Các đảng phái chính trị ở quốc gia Bắc Phi chưa thể ký kết thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.

Những căng thẳng hiện tại giữa quân đội và RSF bắt nguồn từ bất đồng giữa hai bên về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội và đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.

Một tổ chức gồm các bác sĩ người Sudan cho biết có ít nhất 3 dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Còn bệnh viện Fedail ở trung tâm Khartoum đã tiếp nhận hàng chục dân thường và quân nhân bị thương trong vài giờ qua, nhiều người đang trong tình trạng nghiêm trọng.

(theo CNN, Reuters)

Hồng Phúc