Pháp trải qua 3 ngày kinh hoàng, ông Macron triệu tập họp khẩn

Một chiếc ô tô cháy rụi trong bạo loạn ở Pháp. Ảnh: Reuters

Bạo lực bùng phát ở Marseille, Lyon, Pau, Toulouse và Lille cũng như các khu vực của Paris, bao gồm cả khu ngoại ô của tầng lớp lao động Nanterre, nơi Nahel M. 17 tuổi - một thanh niên gốc Algérie và Ma-rốc - bị bắn chết ở một điểm dừng giao thông hôm 27/6.

Trên toàn quốc, 249 sĩ quan cảnh sát đã bị thương, nhà chức trách cho biết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến họp với nội các vào 11:00h sáng nay (giờ địa phương) và có khả năng rút ngắn thời gian tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Clement Beaune cho biết, giao thông công cộng ở khu vực Paris bị gián đoạn nghiêm trọng trong hôm 30/6 và không loại trừ khả năng phong tỏa sớm. Mười hai chiếc xe buýt đã bị đốt cháy và phá hủy trong đêm tại một kho hàng ở Aubervilliers, phía bắc Paris.

Các video trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nhiều đám cháy được thắp sáng trên khắp đất nước, bao gồm cả một chiếc xe điện bị đốt cháy ở phía đông thành phố Lyon.

Cảnh sát Paris cho biết họ đã thực hiện 307 vụ bắt giữ tại Thủ đô và khu vực lân cận, 9 cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đã bị thương.

Cái chết của thanh niên Nahel đã làm dấy lên sự phẫn nộ vẫn âm ỉ về bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong các cơ quan thực thi pháp luật từ các nhóm quyền và trong các vùng ngoại ô có thu nhập thấp, hỗn hợp chủng tộc, xung quanh các thành phố lớn của Pháp.

Theo các công tố viên, viên cảnh sát trong vụ việc đã thừa nhận bắn súng vào thiếu niên sẽ bị điều tra chính thức về tội cố ý giết người và đang bị tạm giam.

Tại miền Nam nước Pháp, cảnh sát đã bắn lựu đạn hơi cay và điểm du lịch tại cảng Le Vieux ở Marseille đã phải sơ tán khi các thanh niên xung đột với cảnh sát. Cảnh sát tại đây cho biết đã thực hiện 56 vụ bắt giữ và 38 sĩ quan đã bị thương.

Tại Roubaix, miền Bắc nước Pháp, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi văn phòng của công ty TESSI và một số ô tô bị đốt cháy.

Tình trạng bất ổn đã gợi lại ký ức về thời điểm năm 2005 khi chuỗi bạo loạn nổ ra làm rung chuyển nước Pháp trong ba tuần và buộc tổng thống lúc bấy giờ là Jacques Chirac phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Liên Hà