Quân đội Afghanistan 'nhụt chí' trước phiến quân Taliban

Hôm thứ Tư, các tay súng Taliban đã giành quyền kiểm soát thành phố Faizabad - thủ phủ của tỉnh Badakhshan phía đông bắc Afghanistan. Như vậy, chỉ trong vòng 6 ngày sau khi quân đội Mỹ hoàn toàn rút về nước, nhóm phiến quân này đã đánh chiếm được 8 tỉnh.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tập hợp lại với nhau và khẳng định quân đội Afghanistan hoàn toàn áp đảo lực lượng Taliban về quân số.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng họ phải luôn sẵn sàng tâm thế chiến đấu vì lợi ích dân tộc: "Họ phải chiến đấu cho chính họ, và chiến đấu cho quốc gia của họ".

Đụng độ giữa quân đội Afghanistan và các tay súng Taliban đã khiến hàng nghìn người đổ xô tới thủ đô Kabul để tị nạn. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông không hề hối hận về quyết định rút quân khỏi Afghanistan, chỉ ra rằng chính quyền Washington đã phải chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm cho cuộc chiến tại quốc gia này và hàng nghìn binh lính đã phải hy sinh. Tuy nhiên, ông Biden cho biết Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ không quân, cung cấp lương thực, thiết bị và tiền lương cho các lực lượng Afghanistan.

Tại Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mới đây cho biết ông đang nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhóm dân quân tự vệ trong khu vực, dù đã từng có những tranh chấp suốt nhiều năm trong quá khứ với các lực lượng này. Đồng thời, Tổng thống Ghani cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân Afghanistan tham gia đấu tranh, bảo vệ "kết cấu dân chủ" của đất nước.

Các tay súng Taliban hiện đang tiến vào chiếm giữ các tòa nhà thị chính của giới chức địa phương thành phố Aibak. Dù đây là khu vực nằm ngay giữa thành phố Mazar-i-Sharif và thủ đô Kabul, nhưng hầu hết các lực lượng an ninh chính phủ cũng đã phải rút lui.

"Điều duy nhất nên làm là ở yên trong nhà hoặc tìm cách di chuyển đến Kabul", Sher Mohamed Abbas, một nhân viên ngành thuế, cho biết khi được hỏi về tình hình cuộc sống của người dân tại Aibak.

“Nhưng giờ đây, có lẽ ngay cả Kabul cũng không phải là một lựa chọn an toàn”, Abbas cho biết thêm.

Trong nhiều năm, Taliban vốn không mấy "mặn mà" với khu vực phía bắc Afghanistan, khiến đây trở thành một trong những nơi yên bình nhất tại bởi sự tại quốc gia này. Nhưng chiến lược của lực lượng này đã có phần thay đổi. Taliban hiện đang tấn công dồn dập về phía bắc nhằm giành được quyền kiểm soát ở các khu vực biên giới, bao gồm cả ở phía bắc, phía tây và phía nam, và kế đó là áp sát địa phận thủ đô Kabul.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình đang rơi vào bế tắc, mục tiêu các cuộc tấn công của Taliban là lật đổ được chính phủ đương nhiệm vốn được Mỹ hậu thuẫn, và tái áp đặt chính quyền Hồi giáo. Lực lượng nổi dậy không gặp bất kỳ trở ngại nào khi tiến quân vào thành phố Aibak hôm thứ Hai bởi lực lượng an ninh Afghanistan đã không có những hành động phản kháng quyết liệt.

Tuy nhiên, mới đây, trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera TV, phát ngôn viên của Taliban vẫn khẳng định rằng lực lượng này cam kết theo đuổi con đường đàm phán thông qua cuộc gặp mặt tại Doha và không muốn nó bị sụp đổ.

Quyết định rút quân của Mỹ đã khơi mào cho một cuộc nội chiến tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Theo một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, lực lượng Taliban hiện đã kiểm soát lên đến 65% lãnh thổ Afghanistan, nhiều khả năng nhóm này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào 11 thủ phủ khác của các tỉnh phía bắc, và tìm cách cắt đứt nguồn hỗ trợ của lực lượng an ninh từ phía bắc cho Kabul.

Trước tình hình đó, chính phủ Afghanistan đã tiến hành rút quân khỏi các vùng nông thôn khó phòng thủ để tập trung lực lượng bảo vệ các trung tâm đô thị lớn, đông dân cư.

Giới chức Afghanistan đã cáo buộc Pakistan ủng hộ Taliban tại khu vực biên giới, và kêu gọi nước này ngừng tiếp viện cho lực lượng quân nổi dậy. Tuy nhiên, Pakistan đã lên tiếng phủ nhận toàn bộ những cáo buộc trên.

Mỹ cũng đã và đang triển khai một số cuộc không kích để hỗ trợ quân đội Afghanistan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết các cuộc không kích đã tạo được những áp lực nhất định lên phía Taliban, nhưng cũng thừa nhận những hạn chế còn tồn tại.

"Không ai có thể khẳng định các cuộc không kích sẽ là ‘liều thuốc chữa bách bệnh’, có thể giải quyết được tất cả các vấn đề trong cuộc chiến trên mặt đất. Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố như vậy", ông Kirby phát biểu trước báo giới.

Cả Taliban và các quan chức chính phủ Afghanistan đều đã xác nhận rằng lực lượng Hồi giáo này hiện đang kiểm soát 6 thủ phủ của các tỉnh ở phía bắc, phía tây và phía nam trong những ngày gần đây.

Gulam Bahauddin Jailani, người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Afghanistan, cho biết các cuộc giao tranh đang diễn ra ở 25/34 tỉnh trên cả nước, và chỉ trong hai tháng qua, 60.000 hộ gia đình đã phải di tản khỏi địa phương sinh sống, đa phần họ đều đến Kabul để tìm nơi trú ẩn.

Sáu quốc gia thành viên EU đã lên tiếng cảnh báo các nhà lãnh đạo khối này không nên lưỡng lực trong việc trục xuất những người tị nạn Afghanistan đến châu Âu, vì lo ngại viễn cảnh của cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 – 2016 có thể tái diễn.

Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michelle Bachelet cho biết, các báo cáo vi phạm nhân quyền tại Afghanistan có thể dẫn đến tội ác chiến tranh. Ngoài ra, bà cũng cho biết việc quân đội chính phủ nước này đầu hàng cho thấy những dấu hiệu của tội ác chống lại loài người tại quốc gia này, và điều này là “rất đáng quan ngại”.

“Đã có những lo ngại rằng việc Taliban sở hữu quyền lực tại Afghanistan sẽ xóa bỏ những thành tựu nhân quyền mà quốc gia nàyc có được trong suốt hai thập kỷ qua”, bà Bachelet cho biết.

Lực lượng Taliban, vốn đã bị chế áp sau cuộc tấn công ngày 11/9 nhằm vào Mỹ, đang trỗi dậy mạnh mẽ, quyết tâm chiếm được thành phố Mazar-i-Sharif. Nếu như Taliban có thể kiểm soát được thành phố này, đây sẽ một đòn giáng mạnh đối với chính quyền Tổng thống Ghani.

Washington sẽ hoàn tất tiến trình rút quân trong tháng này theo đúng như cam kết, để đổi lại lời hứa của Taliban rằng sẽ ngăn chặn việc Afghanistan bị lợi dụng trở thành địa bàn của lực lượng khủng bố quốc tế. Phía Taliban đã cam kết sẽ không tấn công các lực lượng quân đội nước ngoài trong quá trình rút lui, nhưng không chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ Afghanistan.

Bích Ngọc

Theo Reuters