Quản lí tài chính người học không dùng tiền mặt: Lợi cả đôi đường

TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định trong vài năm qua, đa số các trường ĐH đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý tài chính của người học, nhất là công tác thu học phí dưới hình thức trực tuyến.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong lễ tốt nghiệp năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Một trong các nội dung quan trọng được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành trong Quyết định 749 (chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030) là cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân.

Sau đó, Thủ tướng có Quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Đến năm 2023, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã có những chỉ tiêu, kết quả đã đạt được như: tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt trên 75%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị) cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hằng năm đạt trên 100%;... nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó chỉ rõ các cơ sở giáo dục địa học cần phát triển các ứng dụng, nền tảng số phục vụ quản trị các cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Giảm áp lực

Ở góc độ trường ĐH, ông Việt chỉ ra những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong quản lý học phí như loại trừ hạn chế về không gian và thời gian: người học hoặc gia đình có thể thực hiện việc thanh toán học phí tại bất kỳ thời điểm nào mà không bị hạn chế như trước đây chỉ có thể thanh toán trong giờ hành chính, hoặc phải đến trực tiếp Phòng Tài chính, kế toán của Nhà trường.

Tiết kiệm thời gian, tiện lợi và nhanh chóng. Người học hoặc gia đình có thể thanh toán mà không tốn thời gian di chuyển đến nhà trường; tốc độ thanh toán nhanh, giảm thiểu sai sót.

Đa dạng phương thức thanh toán, khi TTKDTM, người học có thể lựa chọn nhiều phương thức thanh toán khác nhau như ví điện tử, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế, chuyển khoản…thuận tiện hơn khi thực hiện thanh toán trực tuyến theo nhu cầu của bản thân.

Tính an toàn, bảo mật, thanh toán điện tử cho phép thực hiện giao dịch mà không cần tiền mặt, giúp giảm thiểu khả năng bị quan sát; sử dụng thanh toán điện tử đảm bảo quyền riêng tư của người sử dụng.

Dễ dàng theo dõi, kiểm soát và quản lý, nhờ thanh toán điện tử, nhà trường có thể dễ dàng kiểm soát hóa đơn và quản lý các thông tin giao dịch của người học, phục vụ cho công tác tổng hợp, phân tích, lập báo cáo tài chính, quản trị một cách chính xác và nhanh chóng; người học dễ dàng theo dõi lịch sử nộp học phí cũng như minh bạch các khoản thu, các khoản chi trả hỗ trợ, học bổng của nhà trường

Nhà trường cần vào cuộc mạnh mẽ

Tuy vậy, vẫn có những hạn chế, cơ quan quản lý và Nhà trường cần lưu ý để có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng TTKDTM. Trong đó có nguy cơ bị tiết lộ thông tin tài chính cá nhân. CNTT ngày càng phát triển, các hacker trình độ ngày càng cao, vì thế nếu không có phương thức đảm bảo an toàn cho tài khoản thanh toán thì nguy cơ bị tiết lộ thông tin của người dùng là rất cao, điều này tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng và hạn chế tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử. Lo ngại về sự an toàn trong giao dịch cũng là một trở ngại, từ chỗ lo ngại dẫn đến việc không tiếp cận do vậy không thấy được lợi ích của thanh toán điện tử. Thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng cũng có thể bị bên thứ ba vô tình tiết lộ;

Kiến thức và khả năng thực hiện của người dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng người dùng biết sử dụng thiết bị bảo mật, biết bảo quản mật mã và không giao dịch với tổ chức cá nhân ko rõ danh tính còn hạn chế. Việc giả mạo các trang web, các đầu số tin nhắn… cũng dẫn đến một gia đình, người học bị lừa đảo chuyển tiền đến không đúng tài khoản của nhà trường hoặc bị chiếm đoạt tài khoản.

Tập quán tiêu dùng và thói quen thanh toán: phần lớn thì người tiêu dùng đều có thói quen sử dụng tiền mặt trao tay, tâm lý thích tiền mặt luôn thường trực, vì thế rất nhiều người thích cầm và sử dụng tiền mặt hơn là sử dụng hình thức thanh toán điện tử. Đối với những sinh viên mới, gia đình cũng rất mong muốn được trực tiếp mang tiền mặt đến nộp tại trường để yên tâm đúng nội dung, đúng nơi nhận, và còn có thể trao đổi để hiểu rõ hơn các nội dung nộp khi nhập học đầu năm.

Như vậy, theo TS Lê Việt Thủy, TTKDTM mang lại nhiều lợi ích cho người học và nhà trường khi thanh toán, quản lý học phí. Để có thêm hướng dẫn và hành lang pháp lý, ngày 29/6, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn về việc hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức TTKDTM. Để đẩy mạnh hoạt động này, từ phía Nhà trường cần triển khai được việc chuyển đổi số trong quản lý đào tạo, quản lý học phí để có được thông tin thông suốt về số tín chỉ học tập của người học, mức phí/tín chỉ/niên chế với từng đối tượng người học, từ đó có thể sẵn sàng để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ TTKDTM, thanh toán trên điện thoại di động. Từ phía các nhà cung cấp dịch vụ, cần hỗ trợ cho nhà trường và người học về các mức phí vì đây là một số tiền không nhỏ.

Nghiêm Huê (lược ghi)