Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 9.200 tỷ đồng

Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết Quý IV năm 2020 (đến hết ngày 31/12/2020) là 9.234,614 tỷ đồng, cao hơn số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2019 là hơn 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2019 là 2.779,815 tỷ đồng.

Số dư Quỹ BOG đến hết Quý I/2020 (đến hết ngày 31/3/2020) là 4.958,420 tỷ đồng;

Số dư Quỹ BOG đến hết Quý II/2020 (đến hết ngày 30/6/2020) là 9.981,693 tỷ đồng;

Số dư Quỹ BOG đến hết Quý III/2020 (đến hết ngày 30/9/2020) là 10.049,261 tỷ đồng;

Tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV/2020 (từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 31/12/2020) là 793,928 tỷ đồng;

Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý IV/2020 (từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 31/12/2020) là 1.614,266 tỷ đồng;

Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý IV năm 2020 là 5,691 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong Quý IV năm 2020 là 0 đồng.

Trong Quý IV/2020, Quỹ BOG đã được trích 793,928 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Liên Bộ Tài chính - Công thương liên tiếp xả Quỹ BOG để hạn chế mức tăng giá xăng dầu. Cụ thể, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao (mức từ 250 đồng - 1.350 đồng/lít/kg cho các mặt hàng xăng dầu).

Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 10/2, theo Liên Bộ, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 603-1.729 đồng/lít/kg.

Theo dự thảo thông tư quy định về quản lý và sử dụng Quỹ BOG được Bộ Tài chính công bố hôm 2/2, mức trích lậphooheobog dự kiến là 300 đồng/lít, kg tùy theo từng sản phẩm xăng, dầu. Số tiền này (là của người tiêu dùng đóng góp mỗi khi mua xăng dầu) được tính vào giá bán xăng dầu.

Tuy nhiên, mức trích lập quỹ này không cố định mà sẽ có tăng, giảm theo diễn biến của thị trường.

Thời gian qua, một số chuyên gia góp ý nên loại bỏ Quỹ BOG trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực. Việc điều hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất, giá xăng dầu lên thì người tiêu dùng chịu mà giá xuống thì họ hưởng lợi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước mắt vẫn cần duy trì Quỹ BOG. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Quỹ BOG hiện nay vẫn còn có tác dụng đối với giá xăng dầu, vì tính thị trường của xăng dầu nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ dù đã có tự do hóa, thị trường hóa về mặt xăng dầu.

"Chúng ta đã tự lực sản xuất được xăng dầu để có thể cung ứng được hơn 40% tuy nhiên để bỏ được Quỹ BOG trước hết chúng ta phải chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng.

Chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ quỹ này.

Tất nhiên trong thời gian trước mắt cần xem việc xả quỹ thế nào cho hợp lý? Cơ chế quản lý ra sao? Các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ đến đâu?

Chúng ta vẫn cần một thời gian nữa để xem xét cụ thể, chứ nếu bỏ ngay thì có lẽ sẽ khó khăn. Còn về lâu về dài, bỏ là hợp lý", ông Thịnh nói.

Minh Thái