Bài đăng trên báo Tài liệu quân sự và một số báo Nga khác ngày 13/2/2021.
I. Giới thiệu
Mỹ đã đưa thêm một đội quân nữa đến gần biên giới của Nga. Lầu Năm Góc đã bố trí thường xuyên một phi đội máy bay không người lái (UAV) trinh sát- tấn công MQ-9 Reaper cùng 90 binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ bảo dưỡng kỹ thuật- khai thác chúng tại căn cứ không quân Campia-Turziy trên lãnh thổ Romania, cách bờ biển Crimea 700 km.
Lý do chính thức được phía Mỹ công bố: "để duy trì an ninh và ổn định trên lục địa Châu Âu", cũng như "để củng cố và tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các đối tác NATO".
Tại sao người Mỹ lại phải bố trí các UAV trinh sát- tấn công MQ-9 Reaper tại khu vực này và mối đe dọa từ chúng đối với Nga cụ thể là gì?
II. Phần phỏng vấn chuyên gia
Chuyên gia quân sự hàng đầu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Ủy ban công nghiệp- quốc phòng Nga, chuyên viên Hội đồng quan hệ quốc tế, Tổng biên tập tạp chí “Kho vũ khí củaTổ Quốc” Viktor Murakhovsky.
— Đấy (MQ-9 Reaper ) là UAV lớp chiến dịch- chiến thuật. Người Mỹ sử dụng nó, lấy ví dụ, ở Trung Đông. Tướng Iran Qasem Soleimani đã bị Mỹ hạ sát tại Iraq bằng chính chiếc UAV này. Khi đó Reaper cất cánh từ một căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Chúng ta đang nhìn thấy các UAV loại này hầu như hàng ngày ở Syria, nhiều nhất là ở tỉnh Idlib,- tại đây chúng liên tục bay theo dõi tình hình.
Thành thử, nếu bây giờ được bố trí tại Romania, chúng có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đen và toàn bộ lãnh thổ Ucraine. Nhưng Reaper dù sao cũng vẫn không phải là một UAV hạng nặng, không phải là một UAV chiến lược.
Tải trọng hữu ích hạn chế không cho phép nó mang, lấy ví dụ, một radar quan sát bên sườn hoặc một hệ thống quang- điện tử đủ mạnh để có khả năng "nhìn" vào sâu bên trong sau đường biên giới của chúng ta.
Để trinh sát các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, người Mỹ sử dụng máy bay không người lái chiến lược Global Hawk. Căn cứ đóng quân của chúng nằm trên đảo Sicily của Ý. Thị trấn nhỏ Sigonella trên đảo đó là nơi bố trí những Global Hawks Mỹ này.
Chúng cũng bay hầu như mỗi ngày dọc theo biên giới Crimea và bay trên lãnh thổ Ucraine dọc theo đường phân giới với Novorossia (tức Donbass-ND). Sau đó bay vào lãnh thổ của Ba Lan, tuần tiễu ở vùng Kaliningrad dọc theo biên giới của chúng ta.
— Thế chúng ta có thể bắn hạ được chúng không?
— Được, hoàn toàn không thành vấn đề. Rất đơn giản.
— Thế thì tại sao chúng ta không bắn hạ khi chúng bay dọc biên giới của chúng ta?
— Bởi vì chúng không xâm phạm không phận Nga. Thậm chí chúng còn rất sợ “bay lạc” qua đường biên giới vào Nga.
Người Mỹ chỉ không công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga trên màn hình vô tuyến và trên tất cả các diễn đàn quốc tế thôi, còn trên thực tế thì họ buộc phải chấp nhận.
Không một UAV nào kiểu như vậy dám vượt qua đường biên giới trên không bán đảo Crimea của chúng ta dù chỉ một Centimet (cm)
Còn cách làm thế nào để bắn hạ một UAV kiểu như vậy, thì người Iran đã chứng minh một cách hoàn hảo rồi. Có một phiên bản hải quân của Global Hawk được gọi là “Triton”.
Đây chính là một thiết bị chuyên trinh sát các mục tiêu trên biển. Vào năm ngoái, Iran đã bắn hạ nó trên Vịnh Ba Tư. Người Mỹ đành “nghiến răng” .
Họ chỉ tuyên bố đại loại: nói chung là rất không tốt, chúng tôi (Mỹ) có vi phạm đường biên giới của các vị đâu. Nhưng Iran trả lời: không, theo thông tin của chúng tôi thì các vị đã bay vào không phận Iran.
Và sau đấy, tôi có xem lại bản đồ đường bay của chiếc UAV này- có một nguồn trên internet cho phép bạn theo dõi bộ phát đáp (chiếc UAV này bật bộ phát đáp khi bay) - có thể thấy rằng đúng là Global Hawk đã không xâm phạm không phận Iran. Nhưng Iran đã hành xử theo cách của mình: khóa và bắn hạ nó.
Vâng , và nhân tiện cũng nói rõ thêm, giá của một chiếc UAV trinh sát chiến lược Global Hawk như vậy vào khoảng 200 triệu USD. Tất nhiên, Reaper có rẻ hơn. Giá của nó- bằng giá một máy bay tiêm kích loại khá thế hệ trước, khoảng 20-30 triệu USD.
— Cũng không phải là ít. Họ không sợ tổn thất ư ? Tại sao những chiếc máy bay trinh sát không người lái này lại cần phải có mặt ở đây, gần biên giới Crimea? Các vệ tinh gián điệp (trinh sát) là chưa đủ ư? Bởi vì, người ta thường nói rằng những vệ tính trinh sát có thể nhìn thấy rất rõ mọi thứ từ vũ trụ, thậm chí thấy cả đến những ngôi sao trên cầu vai các sĩ quan?
— Tất cả đều rất đơn giản. Đó, một lần nữa, dù sao vẫn là môn vật lý khó nhai với những định luật đúng ở mọi nơi như tôi luôn thường hay nhắc tới: đúng ở Nga, đúng ở Mỹ, đúng ở cả Trung Quốc. Vấn đề là ở chỗ vệ tinh luôn chuyển động theo một quỹ đạo nhất định.
Với các thiết bị quang- điện tử có độ phân giải cao của mình, nó chỉ quét được một dải đất khá hẹp. Để thay đổi quỹ đạo, vệ tinh cần tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Trên mỗi vệ tinh như vậy, lượng nhiên liệu không phải là vô tận.
Do đó, quỹ đạo của vệ tinh thường được tính toán để nó có thể nhìn thấy những mục tiêu mà những quốc gia sở hữu vệ tinh đó quan tâm nhất.
Trong suốt vòng đời hoạt động, mỗi vệ tinh chỉ có thể thay đổi quỹ đạo 3-4 lần trong những phạm vi không gian không lớn. Và nếu như bạn cần phải theo dõi tình hình ở chế độ thời gian thực ở một nơi nào đó trong khu vực hoàn toàn không trùng với quỹ đạo của vệ tinh?
Ví dụ, hãy so sánh cấu hình các đường biên giới của Crimea, Novorossiya và sau đó là Kaliningrad chẳng hạn. Không có một quỹ đạo duy nhất để từ đó có thể theo dõi tất cả những đường biên giới nói trên.
Ngoài ra, mặc dù vệ tinh có camera hiện đại và truyền hình ảnh ở chế độ thời gian thực, nhưng nó có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Lấy ví dụ, những đám mây dày. Chưa hết, còn cần phải biết giải mã những hình ảnh nhận được từ vệ tinh: đó là gì trong hình - một chiếc xe jeep hay một chiếc xe bọc thép mới?
Cho đến nay, không có trí tuệ nhân tạo nào có thể làm được điều này. Cần phải có các chuyên gia giải mã- những con người để giải quyết nhiệm vụ trên. Để làm việc đó cũng cần có thời gian. Vì vậy, có những hạn chế rất đáng kể khi xử lý thông tin thu được từ vệ tinh.
À vâng, và sau vẫn còn một tình huống cực kỳ khó chịu khác nữa đối với người Mỹ: những người Nga “xảo quyệt” chúng ta đã triển khai và phát minh được tổ hợp laser “Peresvet” có thể “đốt” tất cả các thiết bị quang-điện tử.
— (Thiết bị quang- điện tử) trên vệ tinh ư?
— Đúng vậy, “Peresvet” được chế tạo để làm đúng cái việc này. Tất nhiên, vào thời bình, chúng ta không thể sử dụng nó. Đó là việc bị Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược cấm.
Nhưng chúng ta đã có những tổ hợp như thế trong trang bị và đang trực chiến. Chúng bảo vệ nhiều mục tiêu của các sư đoàn tên lửa trong biên chế Bộ đội Tên lửa Chiến lược của chúng ta.
— Thê chúng ta đã sử dụng chúng chưa?
— Trong thời bình chúng ta không có quyền. Nhưng nếu mọi việc leo thang đến cái tình trạng được là "thời kỳ bị đe dọa", thì chắc chắn chúng ta sẽ dùng đến.
— Như vậy kết cục là - vệ tinh- tuy rất không tệ, nhưng người Mỹ cũng không thể làm gì được nếu không có Reaper? Vì Reaper, xét cho cùng, là một máy bay không người lái trinh sát và tấn công, có nghĩa là có thể mang một số loại vũ khí, ngay cả khi nó chỉ có thể mang một trọng lượng nhỏ? Tướng Iran Soleimani đã bị sát hại bởi thứ gì đó từ nó phải không? Có thể, lấy ví dụ, có thể đánh chìm một tàu của Hạm đội Biển Đen bằng một chiếc Reaper như vậy không?
— Không, máy bay không người lái này khó có thể làm được việc đó. Nó không đủ sức. Trên thực tế, nó chỉ được trang bị tên lửa chống tăng Hellfire khá nổi tiếng. Những quả tên lửa Hellfire này có nhiều phiên bản: xuyên giáp, đầu tác chiến định hướng hoặc bộc phá- nổ mảnh.
Có cả đầu tác chiến không có chất nổ..Khi đó, bốn bộ lưỡi dao hình chữ thập như vậy xòe ra từ các bên của tên lửa, và tên lửa đơn giản là phá hủy mục tiêu bằng tốc độ (động năng) và độ chính xác của đòn tấn công.
Thông thường, phương pháp này được sử dụng để sát hại người, để giết một số nhân vật quan trọng nào đó kiểu như Tướng Suleimani. Người Mỹ đã làm chuyện này nhiều lần. Trong trường hợp như vậy, “tổn thất phụ” chỉ là ở mức tối thiểu. Lấy ví dụ, họ phóng một tên lửa vào xe ô tô.
Tên lửa đánh trúng ô tô, các lưỡi dao của nó băm nát nạn nhân ngồi trong đó, trong khi đó một con lừa vô tội đi ngang đó vẫn còn sống. Người Mỹ là những người theo chủ nghĩa nhân đạo mà.
— Reaper có thể mang bao nhiêu tên lửa Hellfire?
- Nhiều nhất là 4 quả. Đối với một con tàu thậm chí chỉ có lượng giãn nước nhỏ, chẳng hạn như các tàu mang tên lửa cỡ nhỏ của chúng ta, (4 quả tên lửa) như vậy là không đủ. Hư hỏng, tất nhiên, có thể sẽ có.....
— Có lẽ chỉ có nhiều vết xước ...
— Đúng. Trong mọi trường hợp, Reaper sẽ không thể đánh chìm con tàu.
— Có nghĩa chức năng chính của nó vẫn là trinh sát?
— Tất nhiên. Theo như những gì tôi hiểu, những chiếc máy bay không người lái này- chúng đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm - bay không mang vũ khí. Không có phương tiện tác chiến. Chỉ mang toàn thiết bị trinh sát.
— Ông vừa nói rằng chúng sẽ có thể nhìn thấy chủ yếu là lãnh thổ của Ucraine, à vâng, cả Crimea nữa. Và ở bên kia đường biên giới, trong khu vực Rostov-na-Donu (Nga), chúng có thể quan sát được không?
— Tôi nghĩ rằng Reaper và các thiết bị của nó sẽ có thể nhìn qua đường biên giới vào bên trong lãnh thổ chúng ta ở độ sâu tối đa là 50-60 km. Nhưng Global Hawk với radar của nó có thể qua đường biên giới tới khoảng 200-250 km.
— Thế hóa ra là người Mỹ xây dựng căn cứ cho máy bay không người lái Reaper ở Romania, nhưng lại để quan sát Ucraine và Novorossia là chính. Liệu điều này có thể nói lên rằng một số chuyện gì đó đã được lên kế hoạch ở Ucraine khiên người Mỹ phải quan tâm? Hay chính họ đang lên kế hoạch?
— Cũng có thể như vậy. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng giới lãnh đạo chính trị ở Ucraine sẽ không mạo hiểm
Tôi tin chắc chắn rằng toàn bộ giới lãnh đạo chính trị Ucraine đều hiểu rằng điều đó có nghĩa là một sự kết thúc. Và kết thúc về mặt chính trị, và có lẽ cả về mặt thể xác.
Bạn có còn nhớ Tổng thống Putin đã từng nói gì về khả năng Quân đội Ucraine triển khai tấn công như thế nào không?
Ông ấy nói rằng nếu như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng đối với chính bản thân nhà nước Ucraine nói chung. Chắc rằng người Ucraine hay người Mỹ khó có thể quên được câu phát biểu này.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)