Thao thức Về giữa đất trời Trường Sa

Chính sự ghi nhận của độc giả, giới nghiên cứu phê bình văn học đã tiếp thêm cho Đào Tâm Thanh một sức sống mãnh liệt, nhiệt huyết say mê, trung thành với thể loại bút ký, phóng sự, ghi chép nên đã tiếp tục cho ra đời đứa con thứ ba Về giữa đất trời Trường Sa, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2016.

Nhà báo Đào Tâm Thanh sinh ra và lớn lên tại làng Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Năm 1989 tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế, anh trở về quê hương nhận công tác tại Báo Quảng Trị cho đến nay. Đào Tâm Thanh hiện là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Biên tập viên chính, Trưởng Phòng Kinh tế Báo Quảng Trị. Anh là một nhà báo xuất sắc, sắc nhạy trên mọi lĩnh vực, được đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến.

Gần 30 năm làm báo, anh đã viết hàng nghìn bài báo mang phong cách riêng biệt, có chất lượng cao, có sự ảnh hưởng và tác động đến đời sống xã hội và con người nơi anh đang sinh sống. Ngoài giải báo chí của tỉnh Quảng Trị, Đào Tâm Thanh đã nhiều lần nhận được các giải báo chí quốc gia, giải báo chí chuyên ngành của Trung ương. Nhà báo Đinh Như Hoan đã đánh giá rất cao về bút lực của Đào Tâm Thanh: “Thời tôi ở Báo Quảng Trị, cùng với Nguyễn Hoàn, Nguyễn Tiến Đạt, Đào Tâm Thanh tỏ ra là một trợ thủ đắc lực và đa năng của ban biên tập. Anh viết rất nhanh và viết được trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội và văn hóa, văn nghệ”. Không những ở lĩnh vực báo chí, mà còn ở địa hạt văn chương, Đào Tâm Thanh cũng đã thể hiện được tài năng, bản lĩnh và trí tuệ của mình qua các bút ký, ghi chép. Những tác phẩm anh viết ra đều được đăng ở các báo, tạp chí địa phương, Trung ương và được bạn đọc đón nhận. Tác phẩm của Đào Tâm Thanh có sức truyền cảm mạnh mẽ và gây xúc động sâu sắc đối với bạn đọc bởi những vấn đề có tính thời sự nóng hổi; sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử và đời sống con người; về những việc, những người, những miền quê nhỏ bé, bình thường cùng với chất văn trong sáng, giản dị, uyển chuyển. Đáp ứng sự mong đợi của độc giả cũng như sự động viên của bạn bè văn nghệ, Đào Tâm Thanh đã quyết định chọn một số tác phẩm tiêu biểu trong số hàng nghìn tác phẩm đã đăng để in thành cuốn sách, với tựa đề Chuyện làng, do Nhà Xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2006. Tác phẩm đầu tay vừa mới trình làng đã thu hút được bạn đọc gần xa trong và ngoài nước, được khen ngợi và đánh giá khá cao. Đúng như tên của tác phẩm, hơn hai mươi bài viết trong Chuyện làng đều xoay quanh đề tài làng quê. Qua những trang viết của Đào Tâm Thanh, độc giả sẽ hiểu hơn về mảnh đất và con người Quảng Trị với những tên đất, tên làng, những tên người đã trở thành những địa danh nổi tiếng, anh hùng, bất tử. Trong bài viết Người thích kể chuyện làng, sau khi điểm qua nội dung cũng như văn phong của tác giả tập sách, nhà báo Đinh Như Hoan đã khẳng định: “Trong văn Thanh luôn có xu hướng… về làng. Dù ở đề tài nào, lĩnh vực nào, hễ có dịp là Thanh lại lấy ý tứ, hình ảnh, ngôn từ làng quê để thể hiện tư tưởng tác giả. Và cũng chính vì vậy, mà bạn đọc bài của Đào Tâm Thanh, người ta dễ cảm tình như người mãi lăn lóc giữa chốn phố phường bỗng được bước chân trần trên vệ cỏ đường đê và hít hà mùi khói rơm lam chiều trong nỗi nhớ cố hương. Thế nên khi cầm trên tay cuốn Chuyện làng, tôi đã không bất ngờ. Không bất ngờ nhưng vẫn băn khoăn: Vì sao Đào Tâm Thanh hay nói chuyện làng và chuyện làng mà sao nói hay đến thế?”. Nhà báo Lê Đức Dục trong bài viết Những dấu yêu trong trí nhớ ruộng đồng cũng có một đánh giá rất chính xác và thú vị: “Tập sách cũng cho bạn đọc biết anh là người đi nhiều miền đất nước… Nhưng những dòng chan chứa ân tình vẫn là những dòng về quê nhà. Tôi thích cái cách anh tả về mùa gặt của quê nhà trong bút ký Chuyện làng, nếu không có niềm yêu thương tha thiết với bùn đất, không có một sự tri ân với hạt thóc sẽ không thể nào viết được những dòng chữ lay động như anh đã viết…”. Nhà báo Ngô Nguyên Phước trong bài viết Đất và người Quảng Trị qua Chuyện làng cũng cho rằng: Đề tài và cảm hứng chủ đạo xuyên suốt của tác phẩm chính là chuyện làng, đó là “những trang viết thấm đẫm tình cảm đất đai, mùa màng, ruột thịt”.

Với một bút lực dồi dào, cần mẫn trên ruộng chữ, Đào Tâm Thanh đã tiếp tục sinh hạ đứa con thứ hai của mình với tập bút ký, phóng sự, ghi chép tựa đề Hạt gạo có chân, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2011. Ba mươi ba bút ký, phóng sự, ghi chép trong cuốn sách vẫn tiếp nối dòng chảy mạch nguồn về đề tài chuyện làng. Qua lăng kính của Đào Tâm Thanh, chuyện làng lần này lại có sự mở rộng biên độ trong việc đi sâu khám phá những lớp trầm tích về lịch sử, văn hóa và con người Quảng Trị một cách sâu sắc và phong phú, đầy hơi thở cuộc sống mới, đem đến cho người đọc nhiều câu chuyện mới mẻ, giàu tính nhân văn. Đúng như nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc trong bài viết Hạt gạo sử thi đã khẳng định chủ đề và cảm hứng của tập sách vẫn “chủ yếu viết về đất và người Quảng Trị, như là những “hạt gạo có chân” dắt người đọc theo chuyến hành trình về quá khứ, về cội nguồn, về những nhân dáng hào hùng một thời chưa xa. Ở đó, trên chuyến tàu đầy chiêm nghiệm sâu lắng và cảm xúc thăng hoa của tác giả, chúng ta gặp lại những vùng đất, những con người không hề xa lạ… Ví như chuyện gió Lào, gần như chưa ai viết về gió Lào thú vị như thế… Hay như việc khẳng định “Cau khô và rau má - biểu tượng can trường của người Cam Lộ”. Lâu nay người ta nhắc đến Quảng Trị với các món đặc sản cháo bột, lòng sả, chưa nghe ai nói như Đào Tâm Thanh…”. Cùng một hướng tiếp cận nhưng Lê Văn Thê trong bài viết Đào Tâm Thanh với đất quê, người quê đã lý giải về nguyên nhân tác giả của Hạt gạo có chân trung thành với đề tài làng quê - mảnh đất và con người Quảng Trị là vì “cái tình sâu nặng với quê hương, nơi anh sinh ra, nuôi anh lớn bằng nắm rau mạ hái, con cua đồng mạ bắt, nơi Nhân dân Quảng Trị cho anh niềm tự hào được làm người Quảng Trị…”.

Chính sự ghi nhận của độc giả, giới nghiên cứu phê bình văn học đã tiếp thêm cho Đào Tâm Thanh một sức sống mãnh liệt, nhiệt huyết say mê, trung thành với thể loại bút ký, phóng sự, ghi chép nên đã tiếp tục cho ra đời đứa con thứ ba Về giữa đất trời Trường Sa, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2016. Mặc dù tập sách không chia thành từng chương, phần nhưng chúng ta vẫn nhận ra được dụng ý của tác giả trong việc lựa chọn, tập hợp tác phẩm thành từng đề tài, chủ đề. Vì thế, ngoài phần Cảm nhận, chia sẻ ở cuối tập sách, thì Về giữa đất trời Trường Sa có ba mảng đề tài chính rõ rệt, tách biệt. Đó là đề tài về biển, đảo và người lính hải quân; đề tài về làng - đất và người Quảng Trị; đề tài đất nước - những miền quê tác giả đã từng đi qua, để lại dấu ấn sâu đậm,…

Nhóm các tác phẩm bút ký, phóng sự, ghi chép viết về biển, đảo và người lính hải quân trong Về giữa đất trời Trường Sa là tập hợp các tác phẩm sau những chuyến đi thực tế của Đào Tâm Thanh đến công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK nơi thềm lục địa của Tổ quốc. Lần đầu đặt chân đến quần đảo Trường Sa, cảm xúc trong anh vô cùng tự hào, kiêu hãnh vì Trường Sa là một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi trở về, Đào Tâm Thanh đã mang theo những dấu ấn cảm xúc ấy, rồi viết lên những bút ký, phóng sự, ghi chép về đời sống, sinh hoạt, công tác sẵn sàng chiến đấu của người lính, đất và người Trường Sa một cách chân thực, sâu sắc như Về giữa đất trời Trường Sa: Đi con đường của bao người đã đi; Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này; Những chấm xanh thương nhớ; Điểm tựa cho dân giữa muôn trùng sóng vỗ; Thao thức nhà giàn; Có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế; Trong sắc đỏ Trường Sa,… So với các thể loại khác, thể bút ký, phóng sự, ghi chép có những đặc trưng rất khác biệt. Đặc trưng cốt lõi nhất của thể loại này, chính là tính chân thật. Những sự kiện, thời gian, địa điểm và con người đều có thật, vì thế đã làm cho thể loại này có sức cuốn hút đặc biệt đối với người đọc. Bằng ngòi bút sắc nhạy, diễn ngôn trầm tĩnh, sâu lắng, đầy minh tuệ, Đào Tâm Thanh đã khám phá, phản ảnh hiện thực về biển, đảo Trường Sa, về đời sống của cư dân và người lính hải quân rất chân thật và cảm động. Độc giả đọc Về giữa đất trời Trường Sa: Đi con đường của bao người đã đi sẽ có được nhiều thông tin, tư liệu lịch sử quý giá về biệt đội Hoàng Sa, về những đoàn thuyền không số, về con đường Hồ Chí Minh trên biển, về người anh hùng Phan Vinh... Cứ thế nối tiếp nhau, hết thế hệ này đến thế hệ khác đều quyết ý chí một lòng chiến đấu, bảo vệ và dựng xây để Trường Sa ngày càng vững chãi, bề thế: “Những đoàn tàu vận tải chở những chiến sĩ công binh Việt Nam đội đá, vá đảo, bao thân mình ngâm trong dòng hải lưu mặn chát, chân trần đạp lên tầng san hô sắc buốt, từng ngày, từng ngày một, đá chồng lên đá, mồ hôi người mặn hơn muối bể để đảo của ta rộng dài và lớn lên theo thời gian”(tr.8). Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của các chiến sĩ hải quân. Các cán bộ, chiến sĩ không sợ gian khổ, kiên cường, quyết tâm sắt đá, đem cả tính mạng của mình để bảo vệ đến cùng từng tấc đất, từng sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Và rồi máu của các anh đã lẫn vào với biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên của các anh được thế hệ hôm nay và mai sau đời đời khắc ghi: “Trước họng súng quân cướp đảo, các anh vẫn quấn lá cờ Tổ quốc vào thân mình, chấp nhận hy sinh, quyết không lùi bước và đã làm nên biểu tượng “vòng tròn bất tử” trong sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988”(tr.8). Lính đảo Trường Sa đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất để thực hiện nhiệm vụ, lý tưởng cao cả là bảo vệ vững chắc, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước các mưu đồ lấn chiếm của nước ngoài. Những cán bộ, chiến sĩ như Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Thượng úy Nguyễn Huỳnh Bảo Vân, Đại úy Lê Ngọc Phương (Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này), Trung tá Đặng Hùng Long, Trung tá Trần Minh Thuần, Trung úy Hoàng Minh Tú, Thiếu tá Trịnh Công Lý (Những chấm xanh thương nhớ), Trung tá Phạm Văn Hiến (Có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế), Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Trung tá Ngô Quang Chức (Vững tin nhiều khi đã gặp nhau đây),... một thời ghi dấu chiến công vang dội, có những chiến sĩ đã hy sinh, máu đã đổ xuống nhuốm sắc đỏ nơi Trường Sa thiêng liêng, mà cha ông ta đã khai phá, gìn giữ, xác định chủ quyền hàng trăm năm trước. Chính sự cống hiến, hy sinh cao cả của các anh góp phần làm nên giá trị thiêng liêng cho non sông, đất nước được trường tồn mãi mãi. Các anh không chỉ kiên cường, cảnh giác trước kẻ thù, mà còn ngày đêm chống chọi trước những trận bão lớn, và rồi trong đó, có không ít chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, bão tố hung dữ đã cuốn các anh vào lòng của biển cả: “Vào buổi chiều ngày 4/12/1990, cơn bão có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông... cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã ra sức chống chọi với bão tố. Song đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc mỗi mạnh dần, nhà giàn rung lắc dữ dội và bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí đã hy sinh anh dũng,…”(tr.9). Ngợi ca về sự kiên cường, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ hải đảo còn được Đào Tâm Thanh ngợi ca, sẻ chia trong Thao thức nhà giàn; Điểm tựa cho dân giữa muôn trùng sóng vỗ; Tổ quốc Việt Nam bắt đầu nơi này,... Đọc các tác phẩm này, độc giả sẽ yêu mến, cảm phục cán bộ, chiến sĩ hải quân chịu nhiều gian khổ, mất mát lớn lao cả về tinh thần lẫn vật chất, gác lại tình cảm riêng tư, ước mơ hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đầy thử thách và gian lao để cho Nhân dân giữa muôn trùng sóng vỗ yên tâm bám biển làm ăn. Cơn bão số 8/1998 đã đổ bộ vào khu vực nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trong thời khắc hiểm nguy, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn tỏ rõ một tấm lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân cũng như phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, quân chủng anh hùng, quyết bám trụ đến cùng. Và rồi cơn bão tố quá mạnh, đã quật đổ nhà giàn ngay sau đó, cướp đi 3 cán bộ trẻ trung, đầy nhiệt huyết là Đại úy, Chỉ huy trưởng nhà giàn Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh. Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước đại dương,… Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền,… chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn, bất chấp hiểm nguy khôn lường”(tr.34). Các anh là tấm gương tiêu biểu, kiên cường, quả cảm, thương yêu đồng chí, đồng đội; cao đẹp, thủy chung, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ mới.

Hiện thực cuộc sống đời thường nơi biển, đảo cũng được Đào Tâm Thanh miêu tả, phản ánh một cách chân thực và sinh động qua một số bút ký, ghi chép như Những chấm xanh thương nhớ, Có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế, Trong sắc đỏ Trường Sa,... Từ ngàn xưa cho đến bây giờ và mai sau, Hoàng Sa và Trường Sa là hai vùng biển, đảo thiêng liêng trong trái tim của mỗi người dân, gắn bó máu thịt với Mẹ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân quan tâm, tập trung tối đa nguồn nhân tài, vật lực của đất nước nhằm xây dựng biển, đảo bền vững, toàn vẹn để nước ta sớm trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển, đủ sức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng dài hơn 3.000 km. Để có một Trường Sa như ngày hôm nay, những cán bộ, người lính đã phải vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, đánh đổi cả máu, nước mắt để xây dựng trên đảo những công trình kiên cố, khang trang, hiện đại: “Trên cầu cảng của đảo Sơn Ca,… cả một đoàn lính công bình cõng trên vai những tảng bê tông nặng trĩu, lần từng bước chân giữa vệt san hô khi con nước xuống thấp, mắt hướng theo bóng cờ trên vai người đi trước dò từng luồng lạch”(tr.58). Dâng lên niềm tự hào, vinh dự khi nhìn thấy Trường Sa đang đổi mới, thay da đổi thịt hằng ngày, với “những ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô, trên bãi cạn quanh năm gối đầu lên gió chướng và sóng dữ. Những ngôi nhà choải chân trong lòng biển mặn đều mang dáng dấp của một cột mốc chủ quyền đường bệ và vững chải, duyên dáng và kiêu hãnh, giàu cốt cách Việt”(tr.21-22). Trường Sa của ngày hôm nay “lung linh trong ánh điện làm sáng lên gương mặt đảo giữa tĩnh mịch biển khơi. Năng lượng sạch đã đặt một dấu ấn về tính tiện ích và hiệu quả trên đảo Trường Sa và các đảo nổi của Việt Nam. Giờ này dưới tán cây phong ba, bộ đội đang dõi theo chương trình thời sự hay trò chuyện với người dân qua sóng điện thoại di động. Đất liền, quê nhà như gần gũi hơn với người lính”(tr.42-43). Sau những buổi tập luyện trên thao trường, ngày đêm căng mình vững chắc tay súng để gìn giữ biển, đảo Tổ quốc, lính đảo Trường Sa lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị, đơn sơ, ấm áp, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn cho nhau. Với phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, lính đảo Trường Sa luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp đỡ nhau những công việc thường nhật như chăn nuôi gia súc, chăm sóc vườn rau, nấu cơm, đọc sách, chơi thể thao, ca hát,… cũng đã làm vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân... Cán bộ, chiến sĩ quyết tâm cải tạo, mở rộng, xây mới các hệ thống vườn giàn, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, các loại cây trồng,... vừa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, vừa cảnh quan được xanh sạch đẹp: “Những người lính Hải quân, hết thế hệ này qua thế hệ khác công tác trên đảo Sơn Ca đã phải đào từng hố sâu xuống tận đáy san hô, lót từng tấm tôn, phên tre xuống bốn phía rồi chia nhau đi nạo vét từng chút phân chim biển trong các kẽ đá, đánh bắt các loại cá hoang, ủ xuống đất làm phân rồi bón cho cây. Từng ngày, từng ngày một, cây vật vã lớn lên, chật vật thích nghi rồi khó nhọc đẻ nhánh, đâm chồi”; “đã trồng và phát triển trên các đảo nổi của mình nhiều loại cây nước lợ, một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền,… những cây muống biển phủ xanh bát ngát trên những triền cát đến cây bão táp, biểu tượng của sự hồi sinh trên đảo; từ cây phong ba, được mệnh danh là “chúa tể của các loại cây đến cây bàng vuông, biểu tượng của Trường Sa, từ cây tra (nho biển), cây mù u, rau dền tía, mồng tơi cho đến bầu bí, cải mầm,…”(tr.17).

Nhìn lại quá trình sáng tác, độc giả dễ nhận ra cảm hứng chủ đạo trong văn của Đào Tâm Thanh chính là cảm hứng về làng - mảnh đất nơi anh sinh ra, dưỡng nuôi khôn lớn, trưởng thành. Đào Tâm Thanh có lần tâm sự rằng: “Thế hệ của chúng tôi đi ra từ làng quê, cần mẫn cóp nhặt từng con chữ ở các trường học lớn, viết ra, rồi gửi về lại nông thôn như là một sự tri ân nơi mình sinh ra, được dưỡng dục, được bồi đắp niềm vui sống và thấm thía tình yêu quê cha đất tổ muôn đời”. Xu hướng về làng vì thế luôn hiện diện trong tác phẩm của Đào Tâm Thanh, từ Chuyện làng đến Hạt gạo có chân và đã trở lại Về giữa đất trời Trường Sa. Đọc các bút ký, phóng sự, ghi chép Hoa trôi về phía nụ cười; Đông Hà - bình dị những làng, thênh thang góc phố; Thao thức hương chiêm; Cùng một hướng nhìn giữa đất trời Thành Cổ; Đi nhanh cho kịp xem tranh ở Nghĩa trang Trường Sơn; Về chợ Phiên nghe tiếng làng tôi; Cam Lộ, rưng rưng màu đất; Mùa cam trên vùng đồi Hải Phú; Mỹ Thủy, nơi chân trời gần lại;... độc giả thấy trong từng trang văn ngồn ngộn, thấm đẫm những hình ảnh, những sắc màu của quê hương và con người Quảng Trị - mảnh đất nghèo khó nhưng hết mực ân tình, thủy chung. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa như vị tướng già trong Hoa trôi về phía nụ cười, cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trong Cùng một hướng nhìn giữa đất trời Thành Cổ,... chân chất, bình dị nhưng đầy lòng quả cảm, can trường khí phách trong lửa đạn, mưa bom, ân tình nặng nghĩa với đồng đội, đồng chí một thời chiến đấu anh dũng, hy sinh, nằm lại giữa lòng đất trời Thành Cổ, Trường Sơn. Những nông dân trong Thao thức hương chiêm sống trên cù lao ốc đảo Duy Phiên, Dương Xuân, Hà La ở xã Triệu Phước luôn thao thức, lo âu vì chốn ở, nơi ăn qua biến thiên dâu bể nằm lọt thỏm giữa ba bề sóng nước. Dẫu gian khó, khổ ải nhưng người dân nơi đây vẫn không chịu lùi bước, không bỏ làng tha hương cầu thực, trái lại họ bám đất, bám làng, chinh phục, ứng phó, cải tạo thiên nhiên, từ đó cuộc sống của người dân nơi đây có sự đổi thay, đi lên. Góp nên thành quả đó, việc tìm ra một loại giống lúa - sau này có tên gọi là gạo huyết rồng của người dân, canh tác được trên đất ngập mặn là cả một thành quả to lớn, là một niềm tự hào của người dân Triệu Phước. Bởi “tiềm ẩn bên trong hạt gạo chiêm đỏ ấy, là cái khí lực của làng quê thuần hậu, hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của cuộc chinh phục thiên nhiên, của cuộc sống cần lao mà dân làng đã xây đắp và hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác,...”(tr. 87-88). Đó là, hình ảnh chợ Phiên Cam Lộ cũng đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người làng quê Cam Lộ, đã đi vào lịch sử, văn chương qua câu ca ngọt lịm sự mời gọi thiết tha, mặn nồng “Chợ đông một tháng sáu phiên/Không đi thì lỡ lời nguyền với em”, và đã chắp cánh qua những ca từ thật đẹp, mượt mà của nhạc sĩ Thanh Ngọc: “Một tháng chợ mấy phiên/Mà lòng anh thêm nhớ/Anh thêm thương trong lòng/Đường quê lá nghiêng che/Gió nâng vành nón, nắng vương vương má hồng,...”. Đó là, hình ảnh làng quê Cam Lộ trong Cam Lộ, rưng rưng màu đất - một miền quê khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, sỏi đá và một thời bị san thành bình địa của chiến tranh. Nhưng giờ đây, miền quê ấy đã trở thành “vương quốc” của chè tươi, tiêu nồng, mít nguồn, gạo trắng, nước trong, cây trái bốn mùa và lòng người thuần hậu”(tr.110). Đó còn là, hình ảnh Đông Hà trong Đông Hà bình dị những làng, thênh thang góc phố với những trăn trở, gập ghềnh từ làng hoang vắng, thưa thớt, thâm u, đìu hiu vươn lên thành phố khang trang, bề thế, sôi động, an hòa. Có được những bút ký, phóng sự về làng quê sinh động, thuyết phục, đi vào trái tim bạn đọc như thế, bởi Đào Tâm Thanh đã có sự gắn bó, gạn lọc được những nét độc đáo từ những cảm nhận chân thật, trực tiếp sống giữa bộn bề của cuộc sống, từ những vỉa tầng văn hóa của miền quê nơi anh sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Đến với Về giữa đất trời Trường Sa, độc giả còn thích thú khi được khám phá về vẻ đẹp thiên nhiên, về con người, về phong tục tập quán của một số miền quê trên đất nước Việt Nam cũng như ngoài nước. Để có thêm chất liệu sáng tác phong phú và đa dạng, Đào Tâm Thanh đã có những cuộc hành trình qua nhiều miền quê của đất nước, con người, từ nông thôn ra thành phố, từ miền xuôi lên miền ngược, hải đảo xa xôi, từ trong nước ra nước ngoài,... Trong các tác phẩm bút ký, phóng sự, ghi chép như Ra Lý Sơn, nghe cái lý của biển; Qua Viêng Chăn ăn phở Hải Lăng; Nghe tiếng gà trưa ở Củ Chi; Cung thanh bên dòng Mê Kông,... ngòi bút của Đào Tâm Thanh đã đi vào từng chi tiết, hình ảnh giới thiệu khá tỉ mỉ về những miền đất đã đi qua bằng chất giọng mộc mạc, đằm thắm, tha thiết, khiến độc giả say mê, yêu quý, tự hào thêm về đất nước Việt Nam và những miền quê xa xôi ở nước ngoài. Đến với tác phẩm Theo chân Bác trên dặm dài xuyên Á độc giả như được hòa mình trong một cuộc hành trình dài, ngắm những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, phố xá đông vui, tấp nập, văn hóa đa dạng của các nước bạn Lào, Thái Lan... Đến với Nakhon Phanom, nơi có những “đại lộ thẳng tắp, rừng cây xanh như tràn cả ra tận lề đường, qua những làng thôn yên ả và những khu mua sắm, siêu thị sầm uất”(tr.208). Đến với bản Mạy, một thời Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng nay vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác như “đứng giữa một khu nhà vườn thuần Việt tĩnh lặng của xứ Huế. Đất mát lạnh bờ tre trúc đổ bóng, chùm hoa dâm bụt cháy lên trong nắng trưa và hàng cau vươn cành lá như những chiếc lược chải vào mây trời xanh ngắt”(tr.210). Đặc biệt là, được thưởng thức bữa cơm Việt sâu nặng nghĩa tình với “bát canh rau tập tàng, quả cà pháo giòn tan, có cả vả và quả chuối non chấm ruốc ớt tươi cay đến xé lưỡi”, hay “bát miến lươn, cháo cá tràu nấu bột để giữ mãi cái hương vị xứ sở”(tr.212). Độc giả còn ấn tượng hơn trong Cung thanh bên dòng Mê Kông có nhiều đoạn văn mang đậm chất thơ, câu chữ khá trau chuốt, ấn tượng sâu sắc. Đến với Sa vẳn như “trở về ngôi nhà thân thuộc của chính mình. Thân thuộc bởi phố vẫn thế, trầm mặc, an hòa trong những ô bàn cờ dọc ngang con đường nhỏ nhắn như lối vào nhà ai đó thân quen lắm. Những ngôi chùa vẫn thâm nghiêm quấn quýt trong mùi hương hoa dại, cánh hoa đã xong chức phận một đời hoa, dệt một tấm thảm trắng ngà trên sân chùa rợp bóng cây và bóng người xa đã xa”(tr.216). Đến với dòng sông Mê Kông, thì “vẫn thản nhiên chảy giữa đôi bờ phì nhiêu cây cỏ, ấm sáng những mùa màng và tầng tầng phố xá”(tr.216). Qua Viêng Chăn ăn phở Hải Lăng cũng là một bút ký khá thú vị khi tác giả kể về một chuyến đi sang nước bạn Lào, đến thủ đô Viêng Chăn thưởng thức ẩm thực truyền thống của quê nhà nổi tiếng, đó là món phở Hải Lăng. Phở mang hương vị ẩm thực quê hương, có truyền thống rất lâu đời của cha ông, nay truyền lại cho chị Quý. Người Việt ở Viêng Chăn cũng như khách từ Việt Nam sang đều rất thích khi đến đây thưởng thức, vì ăn phở của chị Quý nấu như có cảm giác trở về lại nhà mình, bởi mùi hương đặc biệt của “hương quế, hương hồi quyện với mùi hành tươi vừa chạm vào chút nóng sốt của nước dùng, phảng phất hương vị xứ Bắc nhưng đậm đà, nồng cay đúng khẩu vị của người Quảng Trị”(tr.139-140).

Như đã đề cập ở trên, thể ký, phóng sự có những đặc trưng riêng so với các thể loại khác. Tiểu thuyết hay truyện ngắn thường sử dụng hư cấu, nhưng với bút ký, tính chân thật mới là đặc trưng cốt lõi. Đặc trưng này của ký đã được Đào Tâm Thanh vận dụng triệt để, linh hoạt, nhuần nhuyễn vì thế những sự kiện, tư liệu, con người, thời gian, địa điểm, chi tiết, ngôn ngữ, cảnh huống,... đã trở thành nhịp thở của cuộc sống như nó vốn có, vốn tồn tại. Yếu tố làm nên sức hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc trong bút ký, phóng sự của Đào Tâm Thanh, trước hết chính là bút pháp miêu tả và những chi tiết nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và con người trong bút ký, phóng sự của Đào Tâm Thanh khá đặc sắc, thể hiện được sự sắc sảo, tài hoa của một cây bút có nội lực và trí tuệ. Cảnh sắc thiên nhiên nơi biển, đảo Trường Sa trong những trang văn của Đào Tâm Thanh hiện lên lung linh, với những vẻ đẹp hoang sơ, đầy quyến rũ, lãng mạn khi ngắm nhìn toàn cảnh bốn bề biển cả, với trời xanh, mây trắng, nắng vàng, tuyệt đẹp của những bãi san hô, những công trình kiên cố vươn cao, tạo nên một vẻ đẹp trường tồn của Tổ quốc, làm say đắm lòng người: “Bây giờ đến quần đảo này, du khách sẽ bắt gặp từ những thảm cây muống biển phủ xanh bát ngát trên những triền cát đến cây bão táp, biểu tượng của sự hồi sinh trên đảo; từ cây phong ba, được mệnh danh là ”chúa tể của các loài cây” đến cây bàng vuông, biểu tượng của Trường Sa, từ cây tra (nho biển), cây mù u, rau dền tía, mồng tơi cho đến bầu bí, cải mầm,...”(tr.17); “Chùa ẩn nhẫn giữa những cụm cây bàng vuông rắn rỏi, có thân cây uốn cong như gối đầu lên cát, bao bọc lấy mái chùa thâm nghiêm,... Trong sắc xanh của Trường Sa, xanh biển, xanh cây, xanh trời, nếu không có từng đợt gió biển thổi vào mặn chát, chợt bắt gặp mái ngói rêu phong thâm nâu hiện ra và mùi hương trầm quấn quýt, thân thuộc, mọi người sẽ tưởng như đang thả bộ trên một ngôi làng quê thuần Việt ở đất liền”(tr.60). Cảnh sắc làng quê ruộng đồng, sông nước, đình làng, bến quê,... mênh mang, trù phú, yên ả: “Sông Hiếu con nước đang ròng, xanh thẳm, diệu vợi. Dọc triền sông, ngô non đương thì, tung bụi phấn la đà qua nách lá,... Đất trời đang rét ngọt, mưa liu riu như sương khói”(tr.102). Qua những đoạn văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên này, bạn đọc không chỉ thấy hết được những nét độc đáo, bình dị của thiên nhiên, mà còn cảm nhận được bề sâu tình cảm, ân tình của con người nơi những miền quê, vùng đất đó. Đào Tâm Thanh có cách nhìn đầy tuệ nhãn về con người, đặt biệt là miêu tả về người lính có những chi tiết đắt giá, cảm động. Những cán bộ, người lính như Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Thiếu tá Vũ Huy Lễ (Trong sắc đỏ Trường Sa); Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Thượng úy Nguyễn Huỳnh Bảo Vân, Đại úy Lê Ngọc Phương (Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này); Trung tá Đặng Hùng Long, Trung tá Trần Minh Thuần, Trung úy Hoàng Minh Tú, Thiếu tá Trịnh Công Lý (Những chấm xanh thương nhớ),... luôn vững vàng, hiên ngang, dũng cảm trước sóng gió, trước kẻ thù để thực thi sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thủ pháp nghệ thuật đồng hiện thời gian cũng được Đào Tâm Thanh vận dụng một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện, tinh xảo trong các tác phẩm như Trong sắc đỏ Trường Sa, Thao thức nhà giàn, Hoa trôi về phía nụ cười, Cùng một hướng nhìn giữa đất trời Thành C,… Chính sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai đã giúp người đọc khám phá được những vùng hiện thực của lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội và cả những ký ức thẳm sâu ở mỗi người. Tác giả sử dụng triệt để bút pháp dòng ý thức để khắc họa nội tâm của nhân vật - con người. Những cung bậc cảm xúc như hạnh phúc, khổ đau, vui, buồn, đau đớn, khắc khoải, nghẹn ngào, chua xót, nhớ thương,… đã bộc lộ được cảm xúc của con người – nhân vật trong tác phẩm. Trung tá Phạm Văn Hiến (Có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế); Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Trung tá Ngô Quang Chức (Vững tin nhiều khi đã gặp nhau đây),... là những người lính được bạn đọc yêu mến, cảm phục bởi những tâm tình, thủy chung với Tổ quốc, với đồng đội, đồng chí, với gia đình không bao giờ vơi cạn. Có thể nói, chỉ có những nhà văn, nhà báo như Đào Tâm Thanh thật sự yêu mến, quý trọng người lính hải quân mới tình nguyện đi cùng họ trên suốt dặm đường dài gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc yêu thương, mới viết về họ một cách đắm say, trìu mến, với tất cả tài năng và tâm huyết đến như vậy.

Về giữa đất trời Trường Sa là một cuốn sách hay, đáng đọc, đáng trân trọng. Cái quý, cái thú vị, lôi cuốn độc giả, để rồi thăng hoa, đồng điệu cùng Về giữa đất trời Trường Sa chính là trong cách viết ký của Đào Tâm Thanh có tính văn học, thông tin, giải trí, thẩm mỹ, với nhịp thở cuộc sống thực sự đã/đang đập nóng hổi; có bố cục, lớp lang rõ ràng, có tính liên kết cao, lồng ghép những cảm xúc cá nhân, khéo léo đưa các thể loại như thơ, câu hò, tích truyện,... vào trang văn đúng ngữ cảnh, có ý nghĩa sâu sắc. Với tâm thế là một nhà báo, nên khi Đào Tâm Thanh sáng tác các tác phẩm thuộc về thể loại bút ký, phóng sự đã có sự ảnh hưởng không nhỏ nên có một số tác phẩm nghiêng về báo chí, tức là tính báo chí bị lấn át hơn là văn học. Những tác phẩm như thế, thì chỉ dừng lại là bút ký, phóng sự báo chí chứ chưa phải (không hẳn) là bút ký, phóng sự văn học đúng nghĩa. Vì bút ký, phóng sự văn học phải chứa đựng những đặc trưng của thể loại, dựa vào hiện thực, việc thực, nhân vật có thật ngoài đời,... nhưng tất cả phải được chuyển tải bằng ngôn ngữ, cách thức, hình tượng văn học. Với Đào Tâm Thanh, viết báo hay viết văn chỉ cốt mong được chia sẻ những điều cảm nhận được từ hiện thực cuộc sống sôi động, về mảnh đất, con người quê hương xứ sở đong đầy hạnh phúc, yêu thương. Từ Chuyện làng đến Hạt gạo có chân, rồi Về giữa đất trời Trường Sa là cả một hành trình kiến tạo như thế.

TS. Bùi Như Hải